Hát trống quân Dạ Trạch – làn điệu cổ hồi sinh

“Tháng Bảy anh cắm cành đa/ Hẹn nàng tháng Tám nàng ra chốn này/ Bây giờ không thấy nàng đâu /Hay là nàng bỏ chốn này nàng đi”… Câu hát gọi cất lên hòa với nhịp trống quân âm vang như một lời mời tình tứ mà ý nhị. Trong không khí tưng bừng của ngày hội Tiên Dung- Chử Đồng Tử, chúng tôi có dịp thưởng thức làn điệu trống quân xã Dạ Trạch (huyện Khoái Châu, Tỉnh Hưng Yên)

 

Hát Trống quân rộn ràng mỗi dịp
 hội làng và những khi Tết đến, Xuân về

Dung dị làn điệu cổ

Hát trống quân ở Dạ Trạch không biết có từ bao giờ. Nhưng theo truyền thuyết kể lại rằng: Vào đời vua Hùng thứ 3, công chúa Tiên Dung trong một chuyến du ngoạn dọc theo sông Hồng đã có mối duyên kì ngộ với chàng trai nghèo Chử Đồng Tử. Đôi vợ chồng không môn đăng hộ đối ấy đã cùng người cải tạo cả một vùng lau sậy bạt ngàn và những bãi cát hoang sơ thành làng quê trù phú. Công chúa Tiên Dung đã dạy nhân dân cách trồng lúa, ươm tơ, dệt vải và dạy cả điệu hát trống quân. Tương truyền thì điệu hát trống quân ra đời từ đó. Nhưng chắc chắn đây là làn điệu dân ca của người dân đồng bằng Bắc Bộ, một điệu hát giao duyên ứng tác còn tồn tại trên mảnh đất Dạ Trạch.
Khác với trống quân Đức Bác (Vĩnh Phúc) là cuộc diễu hành nghệ thuật trao duyên mà không gian diễu hành bằng lời hát đối ứng giữa nam (kép) và nữ (đào) diễn ra suốt từ bến quán đến làng xóm và về đến cửa đình của làng mới mãn cuộc đối đáp đôi bên, hát trống quân ở Dạ Trạch dựa trên nền thơ lục bát dung dị, dễ nhớ cùng với nhạc điệu là chiếc trống quân độc đáo, mang tính đặc trưng của khu vực đồng bằng sông Hồng. Chia sẻ với chúng tôi, nghệ nhân Nguyễn Hữu Bổn- Chủ nhiệm CLB hát Trống quân Dạ Trạch dí dỏm: “Trống quân Dạ Trạch có những nét đặc sắc mà theo tôi không thể tìm thấy ở bất kỳ đâu. Sự đặc sắc đó thể hiện trong những lời hát giao duyên cổ có từ ngàn đời mang nhiều ý nghĩa. Đồng thời hát trống quân nơi đây được biểu diễn với một loại nhạc cũ rất đặc biệt, đó là chiếc trống thùng”.
Thật vậy, trống quân không giống với bất kỳ loại trống nào khác, chiếc trống thực chất là một chiếc thùng gỗ, kèm theo một đoạn dây mây, một cái chạc để kê dây, hai cọc để buộc dây và dùi trống để người hát vừa hát vừa gõ nhịp. Hai người ngồi đối diện nhau vừa hát vừa cầm dùi gõ nhịp lên dây mây, tiếng khoan tiếng nhặt, đều đặn hòa với lời hát đối đáp của trai gái, đôi này hát xong lại chuyển cho đôi khác hát tiếp cho đến khi tàn hội, hát chào, hát giã bạn mọi người mới dần ra về.
Điểm đặc sắc nữa của hát trống quân là không có lời bài hát cố định, đòi hỏi khả năng ứng tác nhanh. Ông Bổn kể lại: Trước đây, mỗi lần vào đám hát trống quân, nam nữ trong làng tụ hội lại, khi người nữ hoặc người nam ngồi xuống xướng lên lời chào, trong đám có đối đáp được thì vào hát, hoàn toàn ngẫu hứng. Bài hát ấy là do hai người hát hợp nhau tạo thành, hát hay đối giỏi thì được khen, được thưởng, hát dở mà đối chệch thì bị chúng bạn, người xem chê cười, lại khó mà kết được bạn.
Thăng trầm lịch sử
Trải qua bao thăng trầm, rồi qua cả một thời gian dài bị chìm lắng tưởng chừng như không còn ai nhớ đến tiếng hát trống quân dìu dặt ấy nữa, thì đến năm 1994, hát trống quân ở Dạ Trạch đã có dịp được hồi sinh.
Ông Bổn cho biết: Để có được những canh hát trống quân cổ với gần 2000 câu giao duyên, đối đáp đằm thắm, ông đã phải mất nhiều năm đi khắp nơi sưu tầm lại. Nhớ lại những ngày tháng ấy, ông tâm sự: “Mấy chục năm trước, tôi cùng anh Nguyễn Duy Phí, nguyên Giám đốc nhà hát tuồng Hải Phòng đạp xe lặn lội khắp trong vùng để tìm lại những canh hát trống quân cổ. Chúng tôi đã tìm gặp những cụ cao niên trong vùng một thời hát trống quân để ghi lại từng câu, từng chữ một”. Năm 1994, CLB hát trống quân Dạ Trạch với 8 thành viên do ông đứng đầu đã chính thức ra đời và có những buổi sinh hoạt đều đặn. “Thành lập một hội hát trống quân giữa thời điểm mà ít ai còn nhớ đến, chúng tôi cũng biết là rất khó khăn, nhưng vẫn tin rằng, nếu thực sự làm sống lại được những làn điệu ấy, chắc chắn sẽ có nhiều người cùng yêu thích, hát trống quân sẽ được lưu giữ và phát triển”, ông Bổn tâm sự.
Từ năm 1994 đến nay, với 19 thành viên, CLB hát trống quân Dạ Trạch vẫn được tổ chức sinh hoạt đều đặn và tham gia nhiều buổi biểu diễn, các chương trình văn hóa- văn nghệ trong và ngoài tỉnh, đem về những tấm huy chương danh giá cho làn điệu trống quân. Điều đặc biệt là hát trống quân đã được đưa vào Khoa sáng tác- Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam như một môn học chính.
Nỗ lực gìn giữ một di sản
Trải qua gần 20 năm, lớp thành viên đầu tiên của CLB trống quân Dạ Trạch nay đã già,  và cũng không còn thường xuyên đi hát nữa. Cái khó nhất là các nghệ nhân đã cao tuổi vẫn phải ăn vận áo mớ ba, mớ bảy, khăn đứng áo dài, phải thanh xuân hóa như trai thanh, gái lịch, phải quên đi mình đã là các cụ, ông, bà để đắm say cùng lời ca tiếng hát thuở 18, đôi mươi. Đứng trước nguy cơ trống quân quê mình lại bị thất truyền, mai một, ông Bổn quyết định liên hệ với trường Tiểu học và THCS Dạ Trạch để đưa trống quân vào trường học và ông đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của thầy và trò. Có được sự hưởng ứng và niềm yêu thích của những người trẻ với làn điệu quê hương, từ đầu năm 2011 đến nay, cứ một tuần 2 buổi, ông lại đạp xe đi ra trường dạy những học trò của mình hát trống quân. Hiện ông đang dạy cho hơn 100 cháu và hứa hẹn sẽ có nhiều hơn thế nữa. Bên cạnh đó, ngày ngày ông vẫn cần mẫn ghi chép lại các bài hát, sáng tác thêm những lời ca mới cho phù hợp.
Việc truyền dạy lại để bảo tồn những canh hát trống quân không phải là khó. Nhưng theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền thì việc lưu truyền hình thức hát trống quân Dạ Trạch trong thời đại mới lại là việc cực kỳ khó. Mong rằng, ngoài tình yêu và những cố gắng của CLB hát trống quân Dạ Trạch, lãnh đạo địa phương nên sớm có sự quan tâm đúng mức để lưu giữ, bảo tồn điệu hát trống quân cũng như phát triển nét văn hóa đặc sắc này một cách bền vững, để nó không chỉ là niềm tự hào của vùng đất Hưng Yên.
Nguồn: http://daidoanket.vn/Lưu Nhung