BẢO TÀNG VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Nhắc đến Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, không ai là không bày tỏ niểm cảm phục yêu mến, ngưỡng mộ và tự hào về một vị anh hùng, một vị tướng, một người anh cả xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong những ngày này, khi những người con của nước Việt Nam và người nước ngoài đang bày tỏ sự thương tiếc của mình trước sự ra đi của vị Đại tướng kính yêu- Võ Nguyên Giáp, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cũng bồi hồi xúc động nhớ lại và thấy thật vinh dự khi được tiếp đón Đại tướng 4 lần về thăm.

– Lần thứ nhất, ngày 14/11/1971 khi về thăm Bảo tàng Việt Bắc (Nay là Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam), nhìn lại chặng đường cách mạng Đại tướng xúc động viết “Về thăm Bảo tàng Việt Bắc, ôn lại truyền thống oanh liệt của đồng bào các dân tộc, chúng ta càng tin tưởng nhân dân các dân tộc Việt Bắc nhất định sẽ tiến lên mãi trên con đường cách mạng góp phần xây dựng vào sự nghiệp xây dựng, giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội của tổ quốc Việt Nam yêu quý.”  Những lời của Đại tướng vừa là niềm tự hào vừa là lời căn dặn cán bộ Bảo tàng về truyền thống yêu nước mà Bảo tàng nói riêng, nhân dân các dân tộc Việt Bắc nói chung phải giữ gìn và phát huy.

– Lần thứ 2, tháng 9 năm 1990, Bảo tàng lại vinh dự đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm các không gian trưng bày của Bảo tàng tại triển lãm Vân Hồ-Hà Nội.

 Ảnh:  Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi sổ cảm tưởng Bảo tàng, tháng 9 năm 1990.

– Lần thứ 3, ngày 19 tháng 12 năm 1990, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn đại biểu về dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Ảnh:  Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu Đoàn đại biểu đến thăm cây đa do bác Phạm Văn Đồng trồng ngày 11 tháng 10 năm 1989 nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Bảo tàng VHCDT Việt Nam (19/12/1960- 19/12/1990).

 
Ảnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp  phát biểu tại Hội nghị  nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Ngày 19/12/1990).
   

Ảnh: Sau hội nghị, Đại tướng đi tham quan các phòng trưng bày của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/12/1990).

Lần thứ 4, ngày 13/8/1998, Đại tướng cùng đoàn cán bộ lão thành về thăm lại Bảo tàng, trong sổ lưu liệm còn lưu lại lời căn dặn, động viên của vị tướng trong lòng dân: “Hoan nghênh những cố gắng của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Những hiện vật trình bày đã thể hiện nét đặc sắc của các dân tộc sống trên đất nước ta. 54 dân tộc chung sống trên lãnh thổ nước ta, với phong tục tập quán khác nhau, văn hóa khác nhau mà qua hàng nghìn năm lịch sử lại chung lưng đấu cật cùng nhau đoàn kết để cùng nhau chống thiên tai và địch hoạn, do đó điều hiếm thấy là các dân tộc ấy trong khi giữ bản sắc và tiếng nói của mình lại tạo nên một nền văn hóa chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tinh thần đoàn kết thống nhất đó đã thể hiện trong câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.”

Mong rằng Bảo tàng này trong khi trình bày được bản sắc của mỗi dân tộc càng nói lên được nền văn hóa thống nhất của dân tộc Việt Nam.

Tiếp tục sưu tầm và sáng tạo nội dung của Bảo tàng với chất lượng ngày càng cao phản ánh sức sống mãnh liệt của nền văn hóa Việt Nam.”

Đến nay lời động viên và dặn dò của Đại tướng vẫn còn vang mãi trong mỗi kí ức của cán bộ Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Chúng tôi nguyện sẽ làm việc và phấn đấu hết mình để xứng đáng với niềm mong mỏi và ước nguyện của Đại tướng đưa đất nước mình ngày càng phát triển và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam.

 

Ảnh: Đoàn cán bộ lão thành do đồng chí Võ Nguyên Giáp dẫn đầu đang đi lên Bảo tàng ngày 13/08/1998

 


 

Ảnh: Đồng chí Võ Nguyên Giáp và các cán bộ lão thành tham quan các phòng trưng bày ngày 13/08/1998

Ảnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Ban lãnh đạo Bảo tàng ngày 13/08/1998