Triển lãm “Chiếc cày và người nông dân các dân tộc Việt Nam”

Nhân dịp kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2012), 50 năm thành lập thành phố Thái Nguyên (19/10/1960 – 19/10/2012), Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam phối hợp với các đơn vị: Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên, Hội Văn hoá nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, Hội Văn học nghệ thuật thành phố Thái Nguyên, Trung tâm triển lãm Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam, Viện phim Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên…Các hoạt động gắn với triển lãm chuyên đề: “Chiếc cày và người nông dân các dân tộc Việt Nam”. Đây là hoạt động văn hoá có ý nghĩa  thiết thực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay.

 

SAMSUNG DIGITAL CAMERA

Các hoạt động diễn ra trong 06 ngày, từ ngày 12/10 đến 17/10/2012 tại khuôn viên Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, gồm các nội dung:

1- Triển lãm “Chiếc cày và người nông dân các dân tộc Việt Nam” với những tài liệu hiện vật, hình ảnh về đời sống lao động sản xuất, đặc trưng văn hoá nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử từ trước năm 1945 đến nay; Triển lãm tranh “Cảm xúc thời gian” do Hội Văn học nghệ thuật thành phố Thái Nguyên thực hiện.

2- Trình diễn, trải nghiệm, giáo dục về đời sống của người nông dân qua các giai đoạn lịch sử với sự tham gia của sinh viên Đại học Nông-Lâm Thái Nguyên và một số nghệ nhân từ các vùng, miền với các hoạt động: Quy trình nấu rượu ngô; múa khèn múa ô, thổi sáo Hmông; diễn kịch trích đoạn “tục cướp vợ” của người Hmông trong tác phẩm :Vợ chồng A Phủ”; trích đoạn “Thầy đồ dạy học”; trình diễn nghề rèn đúc của người Nùng Phúc Sen, Cao Bằng; lớp bình dân học vụ; múa xoè, múa sạp mừng chiến thắng, lảy cỏ; hát sli, lượn giao duyên; tát nước gàu giai; đóng cối xay thóc; hát xoan; múa cồng chiêng Tây Nguyên; múa “chọc lỗ tra hạt” của người Khơ Mú;

3- Tổ chức tuần phim Việt Nam với các chủ đề về nông thôn và nông dân Việt Nam qua các thời kỳ, do Viện Phim Việt Nam thực hiện.

4- Hội thảo “Chung tay phát triển nông thôn mới” do Đại học Nông-Lâm thực hiện; Hội nghị “Tôn vinh hộ nông dân sản xuất và kinh doanh giỏi” do Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên thực hiện.

5- Hội thi: Tìm hiểu sản xuất và chế biến nấm ăn, nấm dược liệu; Thi trải nghiệm: Xay thóc giã gạo bằng chày tay, cối đạp chân; tát nước gàu giai; nấu cơm niêu; nấu cơm bếp Hoàng Cầm; xách nước qua cầu khỉ; đi xe đạp buộc lốp; vá bích kê quần áo, đan mũ rơm.

6- Tổ chức “Không gian thi ca và người nông dân” với các nội dung: Triển lãm thơ; giao lưu thơ “Thi sĩ nhà nông tụ hội” và “Hoa của đất” do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên thực hiện; Triển lãm về đào tạo và nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay.

7- Ẩm thực truyền thống: Các món ăn qua các thời kỳ từ trước Cách mạng Tháng Tám đến nay.

8- Giao lưu văn nghệ và phát động phong trào hiến tặng hiện vật liên quan đến đời sống của người nông dân Việt Nam.

– Địa điểm tổ chức: Tại khuôn viên Bảo tàng VHCDT Việt Nam.

– Thời gian tổ chức các hoạt động: 6 ngày ( từ 12 đến 17/10/ 2012.)

Tham gia các hoạt động này, công chúng tham quan có dịp nhìn lại chặng đường của người nông dân, nông thôn và nông nghiệp Việt Nam qua các thời kỳ, thấu hiểu cuộc sống vất vả trước đây, tự hào với những thành tựu hôm nay. Đồng thời, công chúng có thể được trải nghiệm vào các hoạt động, tham gia các cuộc thi như những người nông dân đang sống trong các thời kỳ lịch sử ấy.

Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, con người mới; là một hình thức giáo dục cho các thế hệ trẻ về truyền thống văn hoá dân tộc, về lịch sử quá trình lao động, sản xuất, đấu tranh chống đói nghèo, chống giặc ngoại xâm của cha ông.