Khai mạc Hội thảo, trưng bày và trình diễn nghề Dệt truyền thống ASEAN lần thứ IV

Tối 16/3, tại không gian Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam, Bộ Văn hoá –  Thể thao và Du lịch phối hợp với Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Cộng đồng Nghệ thuật Dệt vải Truyền thống ASEAN tổ chức Lễ Khai mạc Hội thảo “Trưng bày và trình diễn nghề dệt truyền thống Asean lần thứ IV”.

Dự lễ khai mạc có đồng chí Nguyễn Đình Phách, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Thái Nguyên; Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban Chỉ đạo; đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy Thái Nguyên; Tiến sỹ Makarim Wibisono, Giám đốc điều hành quỹ ASEAN; Tiến sỹ Mariah Waworuntu, Chủ tịch Cộng đồng Nghệ thuật dệt vải truyền thống ASEAN; Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.Dự buổi khai mạc còn có đại diện Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, các thành viên trong hiệp hội dệt vải các nước: Bruney, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippine, SinggaPo, Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ, Canada; các Nhà thiết kế thời trang; Các nghệ nhân đến từ các địa phương trong cả nước và đông đảo nhân dân TP Thái Nguyên.

Lễ khai mạc được truyền hình trực tiếp trên kênh TN1, TN2 Đài PT-TH Thái Nguyên, kênh 3 TH Cap Việt Nam, kênh 201, 202 My TV. Online trực tuyến địa chỉ Thainguyentv.vn.

Hiện nay, trong quá trình hội nhập, bên cạnh những cơ hội phát triển, nghề dệt truyền thống đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như: bảo tồn những tri thức dân gian trong dệt, nhuộm, thêu truyền thống, bảo tồn nguồn sợi bông, lanh, tơ tằm… Trong bối cảnh đó, với chính sách hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện, Việt Nam cùng các quốc gia thành viên ASEAN đang nỗ lực phối hợp tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của nghề dệt, nhuộm, thêu truyền thống, góp phần gìn giữ những nét văn hoá đặc trưng của dân tộc mình, đồng thời khơi dậy sự sáng tạo của các nhà thiết kế trên các sản phẩm dệt truyền thống, khuyến khích sự năng động của các nhà kinh doanh trong việc phát triển nghề dệt truyền thống mang lại lợi ích xã hội và nâng cao đời sống của các cộng đồng dệt vải truyền thống.

Các đại biểu tham dự Lễ Khai mạc

Hội thảo, trưng bày và trình diễn nghề Dệt truyền thống các nước ASEAN tổ chức tại Việt Nam lần này là một sự kiện có ý nghĩa và là cơ hội lớn để các nhà khoa học, các nhà sản xuất, thiết kế, các nghệ nhân, các làng nghề truyền thống trong lĩnh vực dệt may, thêu có sự kết nối, mở rộng hợp tác, phát triển vùng nguyên liệu dệt, phát triển những giá trị sản phẩm kết tinh từ văn hóa mỗi dân tộc, bằng sự sáng tạo của nhà Nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đưa các làng nghề đến với thị trường rộng lớn hơn, đem lại hiệu quả kinh tế và xã hội cho mỗi quốc gia.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, đồng chí Dương Ngọc Long – Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ niềm vinh dự khi Thái Nguyên được đồng tham gia tổ chức Hội thảo, trưng bày và trình diễn nghề dệt truyền thống ASEAN lần thứ IV. Đồng chí nhấn mạnh, sự có mặt của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tại Hội thảo đã thể hiện tình đoàn kết, hỗ trợ và hợp tác vì sự phát triển của nghề dệt, thêu nhuộm Việt Nam và các nước ASEAN. Đối với tỉnh Thái Nguyên, Sự kiện này, là hoạt động có ý nghĩa lớn trong sự phát triển và giới thiệu, quảng bá mở rộng cơ hội giao lưu văn hóa của Thái Nguyên với bạn bè quốc tế. Đây cũng là dịp để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về các hoạt động dệt truyền thống tới hiện đại của các nghệ nhân, nhà sản xuất của tỉnh Thái Nguyên. Thành công của Hội thảo và sự phát triển nghề dệt, thêu, nhuộm ở Việt Nam nói chung và của tỉnh Thái Nguyên nói riêng rất cần sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần đưa bản sắc nghề dệt, thêu nhuộm của Việt Nam giới thiệu tới bạn bè quốc tế.

 

Đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh Thái Nguyên –
Đơn vị đồng tổ chức phát biểu tại Lễ Khai mạc

Tại chương trình cũng đã diễn ra phần trình diễn của 60 bộ trang phục truyền thống ASEAN. Mỗi trang phục có một kiểu dáng và sắc màu khác nhau, nhưng ở đó đã kết tinh những giá trị văn hóa và nhân văn của mỗi tộc người, mỗi quốc gia song lại có sự hài hòa, tương đồng và thống nhất trong nền văn hóa đa sắc màu ASEAN.

Phần trình diễn trang phục truyền thống Đất nước Ấn Độ

Với chủ đề “Truyền thống, Đổi mới, Kết nối: Mở ra bước sáng tại trong nghề dệt truyền thống Đông Nam Á”  Hội thảo sẽ diễn ra từ ngày 15-18/3/2013 tại Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, Thành phố Thái Nguyên.

Tại các gian hàng trưng bày sản phẩm truyền thống các Dân tộc Việt Nam
thu hút đông đảo khách thăm quan

 

 Nghệ nhân người Dân tộc Khmer tỉnh An Giang đang dệt tấm thảm treo tường.
Mỗi sản phẩm hoàn thiện được bán ra với mức 1,2 triệu đồng/tấm

Trong khuôn khổ chương trình sẽ diễn ra các hoạt động: Hội thảo chủ đề “Truyền thống, đổi mới, kết nối: Mở ra bước sáng tạo trong nghề dệt truyền thống Đông Nam Á” với sự tham gia của chuyên gia từ các nước thành viên ASEAN và các nước đối thoại Canada, Nhật Bản, Ấn Độ và Hoa Kỳ; triển lãm về quá trình phát triển của nghề dệt may; trình diễn trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam và các bộ sưu tập thời trang truyền thống của các quốc gia tham dự; giới thiệu làng nghề và văn hóa làng nghề truyền thống của Việt Nam; hội chợ giới thiệu sản phẩm dệt may của các quốc gia tham dự.

                                                                                                  Thu Hương