Chuyến học tập ngoại khóa thú vị tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam của trường THCS Tam Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội

Tiếp tục thực hiện Thông tư 73/HD-BGD ĐT-BVHTTDL, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 06/1/2013 về hướng dẫn sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở các trường phổ thông, Trung tâm giáo dục thường xuyên…

Thực hiện chương trình ngoại khóa thường niên của trường, tập thể giáo viên và học sinh trường THCS Tam Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội đã chọn tham quan, học tập ngoại khóa tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đúng 8h30 sáng, ngày 22/3/2017, các em đã  có mặt tại Bảo Tàng nằm trên đường Đội Cấn và đường Bắc Kạn, phường Trưng Vương, trung tâm TP. Thái Nguyên – một không gian lí tưởng để tham quan và học tập, trải nghiệm. Cả trường có gần 800 học sinh cùng các thầy cô giáo, phụ huynh do thầy Trần Huy Hiền – Hiệu trưởng nhà trường làm trưởng đoàn. Thầy Hiền cho biết, đây là lần thứ 2 được làm trưởng đoàn đưa học sinh đến Thái nguyên, đến Bảo tàng để học tập, trải nghiệm. Tuy chặng đường từ trường đến Thái Nguyên hơi xa, hơn 100km, nhưng thầy trò chúng tôi nhanh chóng bị cuốn hút bởi không gian Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam rất ấn tượng, thân thiện, cơ sở hạ tầng đủ rộng, cảnh quan, môi trường xanh, sạch cùng với kiến trúc, không gian trưng bày trong nhà, ngoài trời lý tưởng, đội ngũ hướng dẫn viên nhiệt tình, chuyên nghiệp nên các em học sinh rất thích thú, hưng phấn.

Các em học sinh được chia theo nhóm, mỗi nhóm có một hướng dẫn viên của Bảo tàng giới thiệu. Vì vậy, ngay từ lúc bước vào bên trong, các em học sinh đã rất chú ý lắng nghe và theo bước cô hướng dẫn, thuyết minh rất sát để không bỏ qua thông tin có ích nào. Những nét văn hóa truyền thống từ ăn, ở, đi lại, sinh hoạt của các dân tộc đều được giới thiệu thông qua những chi tiết tiêu biểu nhất, giúp các em nhận ra nét đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc. Các em vô cùng thích thú và ngạc nhiên với những tổ hợp trưng bày có sự hỗ trợ hoạt động động như tổ hợp trưng bày đình làng dân tộc Kinh có biểu diễn rối nước, tổ hợp trưng bày văn hóa dân tộc Tày, Thái có trình diễn hát then, đàn tính, tổ hợp trưng bày phiên chợ vùng cao có biểu diễn khèn Mông, các tổ hợp trưng bày miền Trung, Nam bộ có múa Chăm, biểu diễn đàn ngũ âm dân tộc Khơ Mer…

Xem xong phần trưng bày trong nhà, các em được cô hướng dẫn tham quan khu trưng bày ngoài trời. Đây là không gian lý tưởng để học sinh trải nghiệm, mỗi không gian đều gắn với những ngôi nhà rất cụ thể như: nhà trình tường dân tộc Mông Vùng núi cao, nhà sàn dân tộc tày, Vùng thung lũng, nhà truyền thống dân tộc Kinh, Vùng đồng bằng, lăng thờ Ngư Ông, vùng ven biển, nhà Rông Ba Na, Vùng Trường Sơn Tây Nguyên, chùa Khơ Me, Vùng Nam bộ…. Các cô hướng dẫn viên thuyết minh rất kĩ về phong tục, tập quán hay trang phục cũng như nhà ở của các dân tộc. Đặc biệt các em rất thích thú bởi cảnh quan mỗi vùng cư trú như nương hốc đá, cảnh người dắt ngựa về chợ, cọn nước, cối giã gạo bằng sức nước gắn với cụm tượng thiếu nữ Tày, Thái lấy nước bằng ống bương, cảnh lễ hội tung còn, nhẩy sạp trích đoạn biển, cầu khỉ…. Cô giáo Nguyễn Lệ Thủy – Phó hiệu trưởng nhà trường nhận xét: Một không gian tham quan trải nghiệm cho học sinh, sinh viên rất tốt, hướng dẫn viên nhiệt tình có kiến thức, không gian trưng bày ngoài trời ở đây không rộng mênh mông như ở làng Văn hóa Đồng Mô nhưng lại được giới thiệu rất sâu, đầy đủ, dễ hiểu, cơ sở hạ tầng đảm bảo, an toàn, môi trường thoáng mát, một số phụ huynh học sinh cũng góp ý thêm, để hoàn thiện hơn, Bảo tàng nên tăng cường công tác vệ sinh, một vài điểm tham quan cần sạch sẽ hơn, nên có các thùng đựng rác thân thiện và để đúng nơi quy định, trang phục, biển hiệu của nhân viên từ bảo vệ đến hướng dẫn viên phải đầy đủ rõ ràng, giúp các em học sinh cũng như khách tham quan ấn tượng, thân thiện, dễ dàng nhận biết hơn.

Tuy thời gian tham quan chỉ gần 2 giờ đồng hồ nhưng rất nhiều điều thú vị mà chúng tôi cảm nhận được trong thời gian tham quan khu Bảo tàng rộng lớn cả trong nhà và ngoài trời lại nằm cạnh con sông Cầu thơ mộng, huyền thoại. Sau những tiết học quá tải ở trong lớp, việc đi học thực tế tại bảo tàng là dịp các em được vui chơi, kết bạn, tham gia các trò chơi thú vị trong bảo tàng. Ai cũng cố hòa mình vào thiên nhiên trong lành, xanh mát, tranh thủ hít khí trời sạch và nhất là được tự do thả mình chạy nhảy. Đây thực sự là một chuyến đi bổ ích và đầy ý nghĩa đối với các học sinh khi mà các em chưa thể có điều kiện được đặt chân đến những vùng đất xa xôi hơn, chưa được chứng kiến tận mắt đời sống lao động và sinh hoạt của đồng bào các dân tộc trên mọi vùng miền của Tổ quốc.

Thực hiện: Vi Biên

Một số hình ảnh trong chuyến học tập, trải nghiệm của trường

 
 Học sinh trường THCS Tam Hiệp tham quan Bảo tàng VHCDT Việt Nam, ngày 22/3/2017
 
  Các em tập trung, xếp hàng, chia nhóm trước khi đi tham quan, trải nghiệm
 
  Thầy hiệu trưởng cùng học sinh nhóm 1 tham quan tiền sảnh A và phần trưng bày văn hóa các quốc gia ASEAN
 
  Xem biểu diễn rối nước tại phòng trưng bày số 1 (Nhóm ngôn ngữ Việt Mường)
 
  Các em tham quan góc trưng bày nhà sàn Thái Đen tại phòng trưng bày số 2 (Nhóm ngôn ngữ Tày Thái)
 
  Các em vui múa sạp tại không gian nhà sàn dân tộc Tày, Vùng văn hóa Thung lũng
 
  Tham quan cối giã gạo bằng sức nước và cụm tượng thiếu nữ Tày, Thái lấy nước bằng ống bương tại Bảo tàng
 
 Tham quan cổng làng truyền thống dân tộc Kinh Vùng đồng bằng Bắc bộ
 
 Tham quan ngôi nhà truyền thống dân tộc Kinh Vùng đồng bằng Bắc Bộ
 
Với không gian đủ rộng gần 40.000m2, Bảo tàng thực sự là nơi lý tưởng cho các em trải nghiệm, thư giãn sau những ngày lên lớp học tập căng thẳng
Các em tham quan khu nhà mồ dân tộc Ba Na, Vùng Trường Sơn Tây Nguyên tại Bảo tàng
 
 
  Trải nghiệm nhà Rông Tây Nguyên
 
  Tham quan không gian trưng bày ngoài trời bảo tàng, mong muốn một không gian văn hóa xanh, sạch, đẹp, hấp dẫn.