Dệt vải là nghề thủ công truyền thống của các tộc người ở Việt Nam. Trước đây, hầu hết phụ nữ các dân tộc thiểu số ở nước ta đều biết trồng bông kéo sợi, dệt vải phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt trong gia đình. Để tạo nên những bộ trang phục rực rỡ, độc đáo mang bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình, những người phụ nữ đã sử dụng nhiều kĩ thuật khác nhau như nhuộm chàm, chắp ghép vải màu, thêu.. Đặc biệt phụ nữ dân tộc Mông và dân tộc Dao (nhóm Dao Tiền) ở Việt Nam nổi tiếng về kĩ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong hay còn gọi là batik. Batik là kỹ thuật trang trí các họa tiết hoa văn độc đáo trên trang phục bằng nguyên liệu sáp ong.
Đối với dân tộc Mông và dân tộc Dao (nhóm Dao Tiền), những hoa văn in trên trang phục chính là cách thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ, cẩn trọng của mỗi người phụ nữ. Vì thế, khi người con gái kết hôn, gia đình chồng và họ hàng chỉ cần nhìn vào trang phục là biết cô dâu khéo léo, cần cù, chu đáo thu vén gia đình hay không. Ngay từ khi còn nhỏ, các con gái đã được các bà, các mẹ truyền dạy rất tỉ mỉ cách dệt vải, in hoa văn trên trang phục truyền thống. Cứ như vậy, các sản phẩm in hoa văn trên vải bằng sáp ong được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Để tạo nên những sản phẩm có hoa văn bằng sáp ong hoàn chỉnh, người phụ nữ phải bỏ ra nhiều công sức và thời gian. Quy trình tạo ra sản phẩm phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau.
Chuẩn bị nguyên liệu:
Chuẩn bị nguyên liệu là công đoạn quan trọng và quyết định đến kỹ thuật batik. Sáp ong tốt là sáp được lấy từ những tổ mật ong rừng quý hiếm. Những tổ ong mang về sau khi tách mật sẽ lấy sáp bỏ vào nồi nước rồi đun sôi, lọc lấy phần nước trong. Sáp ong có hai khoảnh màu vàng và màu đen. Màu vàng là lớp sáp non, màu đen là lớp sáp già, bóp cho hai khoảnh sáp đó chảy hết mật rồi nấu mỗi loại ra một nồi khác nhau. Sau khi sáp nóng chảy, đem đổ sáp ra bát riêng. Lấy một lượng sáp đen vừa đủ, trộn đều với một lượng sáp vàng tương ứng và đặt lên bếp. Không nên trộn ngay từ đầu vì màu sẽ không được đẹp. Trước khi sử dụng sáp để vẽ hoa văn lên váy, hai loại sáp này được trộn và nấu với nhau để sáp chảy ra.
Chuẩn bị dụng cụ để vẽ hoa văn:
Sau khi có sáp ong tốt, phải chuẩn bị một số dụng cụ bằng tre vót mỏng, uốn hình tam giác từ 5 – 10 chiếc đủ loại từ 1 – 5 cm để tạo nên các hoa văn hình tam giác với nhiều kích thước khác nhau. Để vẽ đường thẳng, đường zích zắc, đồng bào sử dụng một loại bút vẽ được làm từ một thanh tre nhỏ dài khoảng 7cm, ngòi bút làm bằng lá đồng bé hình tam giác, nẹp vào thanh tre. Ngoài ra còn có bếp kiềng, bát để đun sáp ong, và các ống tre nhỏ để tạo các hoa văn hình tròn. Nanh lợn để miết vải.
Kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải lanh
Tước khi tiến hành vẽ, lấy một phần sáp ong trong khối sáp đã được đun đóng đông từ trước đem đun nóng, phải lọc lại sáp ong cho thật sạch, tránh lẫn tạp chất. Khi đun sáp, nên giữ ở nhiệt độ 70 – 800 để sáp in ra không bị khô. Nếu để sáp nguội, thì sáp sẽ không dính vào vải. Sáp ong khi đun nóng để in hoa văn trên vải phải có độ loãng cần thiết, nếu đặc quá thì sáp ong không ăn vải, nếu loãng quá khi in hoa văn sẽ bị nhòe không đẹp mắt. Để vẽ hoàn chỉnh một chiếc váy in hoa văn đủ màu sắc, những người phụ nữ phải mất cả tuần, cả tháng, thậm chí là vài tháng mới hoàn thiện được.
Khi vẽ, người phụ nữ luôn phải ngồi bên bếp lửa, chấm bút vào bát sáp ong nóng đặt trên bếp, thoăn thoắt đưa tay kẻ những đường thẳng trên vải. Họ phải kẻ thật khéo để lượng sáp chảy đều, không loang lổ cho đến hết rồi mới tiếp tục chấm tiếp.
Trước khi vẽ, họ đặt phần vải màu trắng cần vẽ hoa văn lên trên mặt phẳng như phiến đá, mặt bàn… rồi dùng đá mài/nanh lợn mài vải cho nhẵn, mịn. Ngoài ra, họ còn sử dụng một miếng gỗ tròn, một miếng ván bằng và nhẵn để khi vẽ xong đến đâu thì họ cài phần đã vẽ vào một đầu, một đầu để cuộn tiếp tục in tiếp, vẽ đến đâu thì lăn và quấn vải đến đấy để vải không bị bẩn.
Trong quá trình vẽ, luôn giữ mức lửa nhỏ nhằm duy trì độ nóng để sáp in thật ăn vải và rõ nét các hoa văn. Họ sẽ vẽ liên tục cho đến khi nào hết khổ vải. Để có được những tấm vải đẹp, sau khi vẽ sáp ong lên vải, chờ sáp ong khô, rồi đồng bào đem đi nhuộm chàm cho đến khi được màu như ý, sau đó nhúng tấm vải chàm vào nước sôi để sáp ong tan chảy, khi đó những hoa văn đã vẽ mới hiện ra rõ nét trên nền chàm. Khi nhuộm phải có kỹ thuật hãm và đồng bào đã biết cách sử dụng củ nâu để hãm màu.Khi vẽ, đầu bút chếch vào trong, cán bút hướng phía ngoài. Tấm vải lanh dài 7m sẽ được chia đều thành 10 – 12 ô vuông. Đoạn hai đầu trên cạp váy và dưới đoạn nối thổ cẩm phải kẻ đường thẳng, rồi đến kẻ hình tam giác, hình xoáy trôn ốc, hình đồng tiền, hình chữ thập, hình chân chim, …Dân tộc Mông quan niệm hoa văn trên trang phục, đồ dùng sinh hoạt sẽ giúp họ được giao tiếp với các thần linh, mời được các thần linh tới nhà ban phát cho họ điềm lành, xua đi những điều dữ.
Các họa tiết hoa văn sáp ong chủ yếu được thể hiện trên các loại vải dùng để may váy và khăn, với nhiều mô típ hoa văn khác nhau. Người Mông chủ yếu in các loại hoa văn hình răng cưa “hoa tim đen”, hoa văn hình đồng tiền vuông, hình đồng tiền tròn (đồng tiền que trống), hoa văn tám cánh, hoa văn hình chữ “S” hay còn gọi là hoa văn ốc rồng “kưx rong” có nơi còn gọi là hoa văn tai người “Sấy lảo dề”. Những họa tiết này biểu hiện cho sự biến chuyển của mặt trời, thời tiết, không gian và thời gian, trong vũ trụ quan cổ đại của dân tộc Mông. Mỗi họa tiết hoa văn đều thể hiện những khát vọng cao đẹp của con người.
Người Dao Tiền chủ yếu in các loại hoa văn hình bánh xe (chùn thốp), các đường kẻ đứt đoạn “chùn leng”, hoa văn quả núi “chùn muội”, đường gấp khúc, hình “chùn cao” có hình xanh lơ nhạt trên nền chàm xanh đen.
Kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên trang phục truyền thống của đồng bào Mông, Dao chứa đựng những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Họ gửi gắm vào từng nét vẽ những gì đang diễn ra trong cuộc sống xung quanh mình, những ý niệm về vũ trụ, về nhân sinh quan, thế giới quan, về thiên nhiên, về cuộc sống mang đậm triết lý nhân sinh, thể hiện khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của con người.
Trong hệ thống trưng bày trong nhà của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, phòng trưng bày số 3 giới thiệu văn hóa các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Mông-Dao, Ka đai, Tạng Miến trưng bày một số hiện vật giới thiệu kỹ thuật vẽ batik của dân tộc Mông và nhóm Dao Tiền ở Việt Nam. Ở không gian này, du khách sẽ được tham quan, tìm hiểu nguyên liệu, công cụ, kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải và một số sản phẩm batik độc đáo của dân tộc Mông và dân tộc Dao (nhóm Dao Tiền). Hình ảnh cô gái dân tộc Mông và Dao Tiền cẩn thận đưa từng ngòi bút nhúng vào bát sáp ong đang đun nóng chảy trên bếp, rồi từ từ đưa từng nét bút trải dài trên vải tạo nên những đường nét hoa văn tinh tế với độ tinh xảo, cân đối, hài hòa trên các sản phẩm dệt đã mang lại sự độc đáo và khác biệt cho kỹ thuật tạo hoa văn bằng sáp ong của hai dân tộc Mông và dân tộc Dao (nhóm Dao Tiền) ở Việt Nam.
Trong khu vực các quốc gia ASEAN, kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong không chỉ thấy ở dân tộc Mông, dân tộc Dao (nhóm Dao Tiền) ở Việt Nam, dù In-đô-nê-xi-a không phải là nơi sản sinh ra Batik, nhưng được coi là quốc gia của Batik, bởi nghệ thuật vẽ Batik đạt đến đỉnh cao đã được UNESCO đưa vào danh sách đại diện di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2009. Các họa tiết hoa văn trên nền vải lúc đầu được vẽ hoàn toàn bằng tay và sử dụng những cây bút gọi là canting. Sau này, những người thợ sử dụng bản khắc (bằng đồng), khuôn in và các công cụ khác để phủ sáp ong thành những hình đã định trước. Tuy nhiên, phương pháp vẽ bằng tay vẫn được sử dụng phổ biến, vì nó mang phong cách riêng của mỗi nghệ nhân In-đô-nê-xi-a.
Hiện nay, trong không gian trưng bày văn hóa các quốc gia ASEAN tại khu vực sảnh A của Bảo tàng, hoạt động trải nghiệm kỹ thuật batik của In- đô-nê-xi-a được đưa vào các chương trình tham quan, giáo dục, trải nghiệm cho các trường học, các đoàn khách, các tour du lịch có nhu cầu tìm hiểu. Hoạt động này đã nhận được sự quan tâm, thích thú của công chúng và trở thành hoạt động trải nghiệm thường xuyên diễn ra tại bảo tàng.
Kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong (batik) của dân tộc Mông, dân tộc Dao (nhóm Dao Tiền) ở Việt Nam được trưng bày và giới thiệu tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam
Ảnh: Vải in hoa bằng sáp ong của dân tộc Dao (nhóm DaoTiền), xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đang được trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Ảnh: Bộ dụng cụ, nguyên liệu vẽ hoa văn bằng sáp ong của dân tộc Dao (nhóm Dao Tiền), xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đang được trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Bộ dụng cụ gồm: Bút vẽ hình chữ T, khung hình tam giác làm bằng tre hoặc nứa để vẽ các đoạn thẳng và góc. Các ống tre để in các hình tròn có đường kính từ 1,5-2cm. Lá chít được ép phằng để làm cữ. Nanh lợn rừng, phiến đá dùng để miết vải cho bóng. Bát dùng để đun sáp ong. Bếp đun sáp ong và sáp ong
Ảnh: Sinh viên trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc- tỉnh Thái Nguyên tìm hiểu kỹ thuật vẽ hoa bằng sáp ong của dân tộc Mông tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. (tháng 8/2018)
Ảnh: Bút vẽ hoa văn bằng sáp ong (hay còn gọi là chanting) của In-đô-nê-xi-a.
Ảnh: Khuôn in batik bằng đồng (cap) của In-đô-nê-xi-a Ảnh: Học sinh trường dân tộc Nội trú Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, trải nghiệm kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong (batik) của quốc gia In-đô-nê-xi-a tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Học sinh trường dân tộc Nội trú Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, tìm hiểu nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong (batik) của quốc gia In-đô-nê-xi-a tại phòng chiếu phim, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Đoàn Thanh Huế – Bảo tàng VHCDT Việt Nam