Hoạt động tuyên truyền 30 năm Quốc phòng toàn dân và 75 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam với chủ đề “Sức mạnh truyền thống, kiến tạo giá trị tương lai”

Hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc phòng toàn dân, 75 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam phối hợp với 9 đơn vị trực thuộc Bộ tư lệnh Quân khu I (Bộ tham mưu, Cục chính trị, Cục hậu cần, Lữ đoàn Thông tin 601, Lữ đoàn 210, Lữ đoàn pháo binh 382, Lữ đoàn công binh 575, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên, Bảo tàng Lực lượng vũ trang Việt Bắc); Công an tỉnh Thái Nguyên; Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ; Bảo tàng Hải quân Hải Phòng; Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên; Đại học  Khoa học – Đị học Thái Nguyên tổ chức trưng bày trải nghiệm, tái hiện lịch sử với chuyên đề “Sức mạnh truyền thống – Kiến tạo giá trị tương lai”.
Hoạt động diễn ra với 3 nội dung chính gồm: Sức mạnh truyền thống, 75 năm Quân đội nhân dân Việt Nam và 30 năm Quốc phòng toàn dân trải rộng trên diện tích gần 40.000m2 của Bảo tàng được chia thành 8 cụm theo các chủ đề:

  1. Kế thừa truyền thống ngàn năm dựng nước và giữ nước
  2. Lực lượng vũ trang ra đời từ phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh
  3. Tổng khởi nghĩa giành độc lập dân tộc và bảo vệ chính quyền non trẻ 1945-1946
  4. Kháng chiến, kiến quốc, toàn dân xây lực tiềm lực kháng chiến 1946-1954
  5. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ 1954
  6. Giữ vũng hậu phương miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam
  7. Cuộc tổng tiến công thần tốc quyết chiến, quyết thắng làm nên lịch sử
  8. Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước – Kiến tạo giá trị tương lai

Mỗi cụm chuyên đề tạo điều kiện cho học sinh được tham gia trải nghiệm, tái hiện lịch sử. Bắt đầu từ lời nói chuyện của Bác Hồ với Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên Phong) “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Các em sẽ hồi ức các triều đại vua Hùng dựng nước, qua các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê…bao đời xây dựng nền độc lập dân tộc. Từ thời kỳ đó đã khẳng định chủ quyền với mảnh đất hình chữ S và không gian biển đảo theo chiều dài đất nước bao gồm: Hoàng Sa, Trường Sa bằng những chứng cứ lịch sử cụ thể. Tại đây, học sinh sẽ dừng lại ở thời kỳ lịch sử đánh giặc  Mông Nguyên trong triều đại nhà Trần từ năm 1285 đến năm 1288.  Cụ thể qua câu chuyện của 1 bà cụ bán nước tại bến sông, 1 cậu thanh niên Trần Quốc Toản hay các bô lão với lời thề “quyết đánh”, 1 bài hịch non sông, vị tướng tài như Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, tất cả đều góp sức tạo nên sức mạnh đoàn kết, sức mạnh tổng hợp, khích lệ toàn dân đánh thắng giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước phồn thịnh.
Truyền thống 1000 năm ấy đã được phát huy đầy đủ trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Từ  đội du kích Bắc Sơn, Cao Bằng, 34 chiến sỹ ở rừng Trần Hưng Đạo với 10 lời thề giản dị, mà sâu sắc năm ấy (22/12/1944), đến hôm nay, lực lượng vũ trang ngày càng lớn mạnh đã cùng nhân dân lần lượt đánh thắng kẻ thù. Trong chặng đường ấy, học sinh có thể trải nghiệm hòa mình vào những hoạt động  của cơ sở cách mạng ẩn sâu trong lòng địch, hồi ức về tổ chức Đại hội quốc dân Tân Trào, với 10 chính sách của Việt Minh, quyết định chọn cờ đỏ sao vàng, bài hát Quốc ca. Từ đây, theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh toàn dân đứng lên khởi nghĩa giàng thắng lợi, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhờ sức mạnh của toàn dân tộc, dưới sự chỉ đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang cùng nhân dân từng bước đưa đất nước vượt qua thế nghìn cân treo sợi tóc, bước vào cuộc kháng chiến kiến quốc, toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến, từng bước giành thế chủ động trên chiến trường. Bộ đội cùng học sinh sẽ tập trung tái hiện lịch sử  56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”, vượt qua núi cao, hào sâu, kéo pháo, tải đạn, thồ lương vào trận địa, theo từng trận đánh với các địa danh đã đi vào lịch sử : Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, Đồi A1, C1, nóc hầm De Castries. Với lá cờ Quyết chiến quyết thắng sẽ là bài học lịch sử sinh động, giáo dục lịch sử sâu sắc.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, các nhóm trải nghiệm sẽ bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, với các nội dung trải nghiệm về cuộc sống trong địa đạo Củ Chi,  thanh niên xung phong mở đường san lấp hố bom, vận chuyển hàng hóa ở cầu cảng cạn (Đại đội 915 – Thái Nguyên), chụp ảnh lấy tư liệu chiến trường, dịch mật mã, vót chông, giã gạo nuôi quân, nấu bếp Hoàng Cầm, làm mũ rơm, quạt thóc, chi viện cho tiền tuyến, hành quân, dịch mật mã, huấn luyện chiến đấu, cùng chiến hào trong Đại đội pháo phòng không, chèo thuyền tiếp viện cho những đoàn tàu không số, theo ký ức thời gian, cùng các mẹ, các chị và nhân dân Nam bộ đi qua các trận đánh, đan lá ngụy trang. Cùng các chiến sỹ biệt động Sài Gòn và 5 đại đoàn quân ;  tiến vào giải phóng miền Nam; Chụp ảnh xe tăng cùng nhân vật lịch sử; hân hoan trong giai điệu mừng  ngày thống nhất đất nước “Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh;  Tìm hiểu truyền thống 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân,  75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; huấn luyện thao trường, quy trình tuyển quân, tìm hiểu văn hóa dân tộc, thực hành các kỹ năng trong cuộc sống đời thường, tiếp cận công nghệ, thiết kế trưng bày, sửa ảnh, in ảnh, viết text tổng hợp và chi tiết “1 ngày để nhớ” tại bảo tàng với các nội dung lịch sử đã tham gia, kết thúc hoạt động.
Hơn 30 hoạt động trải nghiệm, tái hiện lịch sử trên toàn tuyến tham quan của Bảo tàng không chỉ có ý nghĩa tuyên truyền về 30 năm Quốc phòng toàn dân và truyền thống 75 năm vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn mang ý nghĩa giáo dục tri thức, tích hợp kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhóm và tinh thần đoàn kết vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh. Qua hoạt động, khẳng định sức mạnh quốc phòng toàn dân dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần Đại đoàn kết dân tộc. Sức mạnh truyền thống dân tộc kết hợp với sức mạnh của lực lượng vũ trang là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ.

Chương trình tham quan trải nghiệm, tái hiện lịch sử và trình diễn văn hóa dân tộc diễn ra trong 3 đợt:
+ Đợt 1: từ ngày 26/11/2019 – 05/12/2019 (10 ngày)
+ Đợt 2: từ ngày 10/12/2019 – 20/12/2019 (10 ngày)
+ Đợt 3: từ ngày 23/12/2019 – 29/12/2019 (06 ngày)
Địa điểm : Tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
1.Tô Thị Thu Trang- Phó giám đốc
(Email: trang488@gmail.com – Điện thoại:0968268888)
Ma Thị Chung-Trưởng phòng Trưng bày -Tuyên truyền
(Email: chungbtvh@gmail.com – Điện thoại:0975027436)
Hotline: 0968886666