Đến thăm nhà Rông tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nếu bạn muốn chiêm ngưỡng di sản văn hóa nhà Rông, thay vì phải vượt qua hơn ngàn cây số để đến với vùng đất Trường Sơn – Tây Nguyên, bạn hoàn toàn có thể thưởng lãm trọn vẹn không gian văn hóa độc đáo này tại khu trưng bày ngoài trời thuộc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Thái Nguyên.

Tọa lạc giữa trung tâm thành phố Thái Nguyên, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là một trong bảy bảo tàng được xếp hạng cấp Quốc gia: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Là nơi trưng bày, sưu tập hiện vật cũng như lưu giữ nhiều thông tin quý giá về văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em (với trên 4.500 tài liệu hiện vật gốc, phim ảnh, gần một nghìn tài liệu khoa học bổ trợ, hệ thống trưng bày trong nhà và ngoài trời hiện đại tiên tiến…), Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam trở thành điểm đến không thể bỏ qua đối với những ai ưa thích tìm hiểu văn hóa truyền thống của người Việt. Trong số các không gian trưng bày ngoài trời, nhà Rông là một điểm nhấn đặc biệt trong không gian văn hóa vùng Trường Sơn – Tây Nguyên.

Anh 1. Nhà Rông được trưng bày tại Bảo tàng

Với diện tích các khu trưng bày ngoài trời lên tới 40.000m2, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam hiện đang trưng bày không gian của 6 vùng văn hóa tiêu biểu trong cả nước: vùng núi cao phía Bắc, vùng thung lũng, vùng Trung du – Đồng bằng Bắc Bộ, vùng miền Trung – ven biển; vùng Trường Sơn – Tây Nguyên và vùng đồng bằng Nam Bộ. Trong khu trưng bày không gian văn hóa vùng Trường Sơn – Tây Nguyên (diện tích 4000m2), ngôi nhà Rông là một điểm nhấn thu hút du khách tham quan bởi sự phục chế nguyên mẫu ngôi nhà Rông truyền thống của đồng bào dân tộc Bana, Kon Tum. Chính sự phục chế nguyên mẫu này đã mang lại cho du khách những ấn tượng trực tiếp, mạnh mẽ và sống động về không gian văn hóa vùng được trưng bày tại Bảo tàng.

Đặc biệt, kiến trúc nhà Rông tọa lạc giữa quần thể không gian trưng bày văn hóa với nhiều biểu tượng kết tinh đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên như cây nêu, nhà mồ, tượng nhà mồ, đàn gió, đàn nước, ché, chiêng, trống, cây Kơ nia, Pơ lang, tượng voi mẹ, voi con…) không chỉ mang lại cho nhà Rông thêm sống động mà còn làm tăng thêm sức cuốn hút và đặc sắc của không gian trưng bày. Giữa quần thể không gian trưng bày, nhà Rông hiện diện như một biểu tượng đẹp đẽ về niềm tin, lòng kiêu hãnh, sự linh thiêng cũng như sức sống trường tồn của các buôn làng.

Ảnh 2. Nhà mồ được trưng bày tại Bảo tàng

Đến thăm nhà Rông và cùng trải nghiệm thăm quan không gian văn hóa Trường Sơn – Tây Nguyên, ta càng thấm thía hơn nhận xét của Nguyễn Văn Kự – Lưu Hùng trong Nhà Rông Tây Nguyên: “Nhà Rông được thừa nhận là loại công trình kiến trúc dân gian có giá trị văn hóa lớn. Nó xứng đáng được tôn vinh như viên ngọc sáng của văn hóa cổ truyền Trường Sơn – Tây Nguyên và cần được giữ gìn như một di sản kiến trúc và nghệ thuật quý giá từ nghìn xưa tặng lại cho hậu thế. Văn hóa Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu .v.v…không thể thiếu vắng Nhà Rông, bởi đây là một phần quan trọng của bản sắc văn hóa và của truyền thống mà những dân tộc này đã sáng tạo nên và nuôi dưỡng từ đời này qua đời khác, để đóng góp vào di sản văn hóa chung của các dân tộc anh em trong đại gia đình Việt Nam”[1].

Việc phục dựng nguyên bản nhà Rông Bana tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã tạo điều kiện cho khách tham quan có cơ hội tìm hiểu bản sắc văn hoá dân tộc Bana ngay giữa trung tâm khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Đây là hình ảnh đẹp và đầy tính thuyết phục trong công tác bảo tồn và khôi phục những giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc Việt Nam./.

                                                                                       Hà Quỳnh

[1] Nguyễn Văn Kự – Lưu Hùng (2007), Nhà Rông Tây Nguyên, NXB Thế giới