Cây nêu trong không gian văn hóa vùng Trường Sơn – Tây Nguyên

Đến thăm Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, du khách sẽ được chiêm ngưỡng không gian trưng bày văn hóa vùng Trường Sơn – Tây Nguyên với các hiện vật gắn liền với những nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân các dân tộc. Trong không gian trưng bày ấy, bên cạnh di sản văn hóa nhà Rông, cây nêu là một hình tượng văn hóa độc đáo, riêng biệt, gắn liền với đời sống tâm linh và các lễ hội quan trọng của cư dân các đồng bào Tây Nguyên.

Ảnh 1. Cây nêu trước nhà Rông được trưng bày tại Bảo tàng

Là một trong 7 bảo tàng được xếp hạng cấp Quốc gia, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam hiện là nơi trưng bày, sưu tập hiện vật cũng như lưu giữ nhiều thông tin quý giá về văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em. Bên cạnh các không gian văn hóa vùng núi cao phía Bắc, vùng thung lũng, vùng Trung du – Đồng bằng Bắc Bộ, vùng miền Trung – ven biển, Bảo tàng còn là nơi trưng bày không gian văn hóa vùng Trường Sơn – Tây Nguyên và vùng đồng bằng Nam Bộ. Trong đó, những đặc trưng văn hóa tiêu biểu của vùng Trường Sơn – Tây Nguyên được tập trung trưng bày và giới thiệu sinh động: từ cấu trúc cảnh quan (cây Kơ nia, Pơ lang, tượng voi mẹ, voi con…) đến kiến trúc đặc trưng (nhà Rông), các nhạc cụ truyền thống (đàn gió, đàn đá, đàn nước), các dụng cụ sinh hoạt (ché, chiêng, trống), các hiện vật gắn liền với nghi lễ vòng đời và các hiện vật gắn với tôn giáo, tín ngưỡng (nhà mồ, tượng nhà mồ, câu nêu).

Với những dân tộc và tùy từng nghi lễ tôn giáo khác nhau mà cây nêu sẽ được dựng và trang trí nhằm gửi gắm những thông điệp cụ thể nhưng nhìn chung, trong các nghi lễ quan trọng của người Tây Nguyên (lễ hội bỏ mả, lễ đâm trâu, lễ khánh thành nhà Rông hay lễ mừng lúa mới, lễ hội cúng Yàng…), cây nêu (còn gọi là cột cúng) giữ vai trò là nhịp cầu nối kết các đấng thần linh và những người đã khuất với con người nơi trần thế. Nhờ có cây nêu mà những mong muốn và ước nguyện của dân làng sẽ được gửi đến các Yàng (các vị thần linh) và ông bà tổ tiên một cách nhanh nhất, linh nghiệm nhất. Bởi vậy, trong các nghi lễ tôn giáo và tín ngưỡng quan trọng của cộng đồng, câu nêu là một hình tượng tâm linh kết nối tam giới không thể thiếu.

Theo quan niệm của cư dân các dân tộc Bana, Giarai, Êđê, con người gồm có hai phần là thể xác và linh hồn. Khi một ai đó chết thì chỉ phần thể xác của họ bị mất đi, phần linh hồn của họ vẫn tồn tại và sinh hoạt bình thường như những người còn sống. Bởi vậy, trước mỗi bữa cơm trong gia đình người đã khuất, người nhà sẽ đem cơm, thức ăn, hoa quả mang đến nhà mồ mời cơm. Sau thời gian giữ nhà mồ, gia đình sẽ tổ chức lễ bỏ mả. Bởi vậy, lễ bỏ mả là ngày hội mừng người sống được gặp gỡ, chung vui với người đã khuất trước khi tiễn biệt họ về thế giới bên kia. Trong lễ bỏ mả, gia đình người đã khuất sẽ dựng cây nêu như là chiếc cầu nối để người còn sống có thể gặp gỡ, chung vui và tiễn biệt người đã khuất lần cuối.  Trong quan niệm của người dân Tây Nguyên, chết là một chu trình tái sinh vì thế cây nêu còn là phương tiên đưa linh hồn người đã khuất sang thế giới bên kia để tái sinh vào kiếp khác và sống một cuộc đời mới.

Trong lễ bỏ mả, cây nêu thường được trang trí khá công phu với các hình chạm khắc nổi bật: hình răng cưa tượng trưng cho núi đồi, đường lượn sóng tượng trưng cho sông suối, các hình ô vuông tượng trưng cho ruộng đồng, hình mặt trời đủ màu sắc tượng trưng cho mưa thuận gió hòa, hình bông lúa tượng trưng cho mùa màng tốt tươi, các hình tam giác đối đỉnh nhau tượng trưng cho sinh thực khí nam và nữ. Tất cả hòa quện với nhau tượng trưng cho không gian vũ trụ mà linh hồn sẽ sinh sống ở thế giới bên kia.

Ảnh 2. Cây nêu trong lễ hội truyền thống của người Bana (ảnh sưu tầm)

Việc trưng bày những hiện vật văn hóa tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam có vai trò ý nghĩa quan trọng trong việc lưu giữ, bảo tồn và quảng bá nét đặc sắc trong văn hóa tộc người của cộng đồng các dân tộc. Qua những hiện vật được trưng bày, khách tham quan có cơ hội tìm hiểu bản sắc văn hoá các dân tộc Việt Nam ngay giữa trung tâm khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.

                                                                                      Hà Hạnh