Lớp tập huấn “Stem” gắn trải nghiệm bảo tàng với giáo dục học đường tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Ngày 21/4/2018, gần 300 cán bộ sĩ quan và cán bộ quản lý văn hóa, văn nghệ của các quân khu trong toàn quốc và Lớp tập huấn cán bộ quản lý và cán bộ quản lý các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông thuộc Sở Giáo dục& Đào tạo tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức tham quan trải nghiệm văn hóa tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hiện nay, tại Thái Nguyên, các trường học đang triển khai chương trình giáo dục STEM. STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Maths (toán học). Hiểu một cách đơn giản hơn là học sinh được trang bị kỹ năng,  năng lực kỹ thuật thì sẽ có khả năng sản xuất ra đối tượng và hiểu được quy trình để làm ra nó. Học sinh phải có khả năng phân tích, tổng hợp, kết hợp để biết cách làm thế nào cân bằng các yếu tố liên quan như khoa học, nghệ thuật, công nghệ, kỹ thuật nhằm có được một giải pháp tốt nhất trong thiết kế và xây dựng quy trình. Ngoài ra học sinh còn có khả năng nhận ra nhu cầu và phản ứng của xã hội trong những vấn đề liên quan đến kỹ thuật.

Với yêu cầu đó, chuyến tập huấn nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên các trường được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cũng như trao đổi kết quả hoạt động trải nghiệm sáng tạo và giáo dục STEM, từ đó có những định hướng triển khai thực hiện giáo dục trải nghiệm sáng tạo tại Bảo tàng.

Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam được chọn làm đối tác để giới thiệu nội dung, sản phẩm văn hóa các dân tộc Việt Nam phục vụ chương trình STEM. Với mong muốn cùng chung sức phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo nói chung, công tác trải nghiệm gắn Bảo tàng với giáo dục học đường nói riêng, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã chủ động xây dựng kịch bản nội dung, nhân lực, lựa chọn một số sản phẩm tiêu biểu phục vụ lớp tập huấn: Giới thiệu văn hóa kết hợp với trình diễn văn hóa dân gian. Mở đầu là màn biểu diễn cồng chiêng đón khách của dân tộc Thái và trang phục vùng miền các dân tộc Việt Nam. Tiếp theo, đoàn được hướng dẫn tham quan trưng bày trong nhà và ngoài trời, mỗi phòng trưng bày, mỗi vùng văn hóa, đoàn cũng đều được hòa mình cùng các tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc của các dân tộc được giới thiệu tại Bảo tàng như: Múa rối nước, biểu diễn hát Then đàn tính, thổi sáo Mông, hòa tấu nhạc Ngũ âm, múa Lăm tơi của người Khơ Me, múa đội nước của người Chăm, in batik của dân tộc H’mông, tô màu – in batik trên vải của Malaysia, in tranh dân gian Đông Hồ, kết hợp với các hoạt động trải nghiệm như: Giã gạo chày tay, làm sáo trúc, nặn gốm Chăm, thực hành lễ Vu lan báo hiếu, thực hành nấu các món ẩm thực cơm nắm muối vừng đồ xôi màu ngũ sắc, đồ mèn mén dân tộc Mông, nướng bánh tam giác mạch… trong tổng số hơn 40 sản phẩm trải nghiệm văn hóa gắn với 54 dân tộc tới lớp tập huấn. Hy vọng các nhà quản lý  giáo dục & đào tạo tỉnh Thái Nguyên sẽ có chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch, lựa chọn và cùng nhau xây dựng mở rộng giáo dục trải nghiệm tại Bảo tàng cho phù hợp với thực tiễn của mỗi trường một cách bài bản, tích hợp giữa kiến thức chuẩn với các kỹ năng văn hóa, xã hội truyền thống đến đương đại.

Qua nhiều năm triển khai hoạt động trải nghiệm vào phục vụ khách tham quan, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu trong công tác phục vụ khách tham quan nói chung, học sinh, sinh viên nói riêng. Trong đó có ý kiến của các tour như Việt Á, Minh Tâm, Đại Việt… Mỗi điểm đến như Bảo tàng hãy cùng các lữ hành với các nhà tổ chức trải nghiệm sáng tạo luôn đặt lợi ích, an toàn, sức khỏe của học sinh lên hàng đầu, đồng thời sự hiểu biết đạt được và mong muốn được trở lại sau mỗi chuyến đi là hết sức quan trọng.

Đại diện của đoàn Sở giáo dục nhận định trong số các cán bộ trải nghiệm, ai cũng hơn một lần đến Bảo tàng, nhưng đây là lần dành nhiều thời gian đi xem, nghiên cứu và tìm hiểu về văn hóa dân tộc nhất. Ý kiến cũng chỉ ra một ví dụ thực tế rằng: không nhất thiết phải đi xa tận Bát Tràng mới được làm gốm, mà ngay điểm trải nghiệm tại Bảo tàng cũng đã xây dựng được hoạt động này, nên hãy phát huy nhiều hơn. Bên cạnh đó, đoàn mong muốn Bảo tàng hãy nhanh chóng  xây dựng một danh sách các chương trình hoạt động trải nghiệm với các hình ảnh minh họa sinh động nhất, dựa vào đó các giáo viên bộ môn của các trường sẽ chọn ra những hoạt động phù hợp với bộ môn giảng dạy của mình từ đó xây dựng được số tiết phù hợp với chương trình ở trường, từ đó sắp xếp thời gian các chuyến đi để có được những hoạt động trải nghiệm thực tiễn thiết thực nhất.

Trên cơ sở khảo sát đánh giá trải nghiệm thực tế, các nhà quản lý giáo dục và đại diện các lữ hành đều thống nhất Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra, trong tương lai sẽ coi Bảo tàng là địa điểm được cân nhắc đầu tiên trong các tour du lịch.

Một số hình ảnh của lớp tập huấn cán bộ quản lý và giáo viên của Sở giáo dục & Đào tạo Thái Nguyên tại Bảo tàng:


Mặc trang phục dân tộc – là hoạt động trải nghiệm đầu tiên mở đầu cho các hoạt động thực tế tại Bảo tàng. Đoàn cán bộ thật sự hào hứng khi thử mặc những bộ trang phục đầy màu sắc sặc sỡ của các dân tộc.

Ban lãnh đạo Bảo tàng giới thiệu chương trình trải nghiệm tại Bảo tàng tới Đoàn tập huấn của Sở giáo dục và đào tạo.

Đoàn tập huấn đang ghi lại những hình ảnh kỉ niệm trước dàn cồng chiêng đón khách của người Thái.

Góc trải nghiệm vẽ batik trên vải của đất nước Malaisia tại không gian trưng bày góc ASEAN.
Vẽ batik bằng sáp ong của dân tộc H’mông và vẽ màu trên vải tại góc trưng bày ASEAN đã thu hút không chỉ Đoàn giáo viên mà còn có sự hứng thú tham gia của Đoàn cán bộ quản lý văn hóa, văn nghệ của các quân khu trong toàn quốc đến tham quan Bảo tàng trong ngày hôm nay.

Trải nghiệm xay ngô, thưởng thức mèm mém, bánh tam giác mạch của đồng bào dân tộc H’mông tại Không gian văn hóa vùng núi cao phía bắc
Đoàn xem trình diễn múa khua luống dân tộc Sán Chay tại Không gian trưng bày vùng thung lũng.

Một số hình ảnh tại cuộc thảo luận đóng góp ý kiến cho các hoạt động phục vụ cho Bảo tàng sau chuyến tham quan trải nghiệm.