Truyền dạy múa Tắc Xình, Khua Lóng, giao lưu Xình Ca dân tộc Sán chay tại Bảo tàng VHCDT Việt Nam nhân dịp quốc khánh 2/9/2014

Lễ hội cầu mùa của người Sán Chay thường được diễn ra trước hoặc sau tết Nguyên đán hàng năm. Đây là một trong những lễ hội lớn với nhiều nét văn hoá rất đặc trưng, độc đáo và truyền thống của đồng bào. Điệu nhảy Tắc xình trong lễ hội cầu mùa là hình thức sinh hoạt văn hóa hấp dẫn thể hiện qua những điệu múa trống, múa chim gâu, múa đâm cá… để cầu thời tiết thuận lợi, muôn loài sinh sôi, ngô lúa được mùa, cầu cho bản làng bình yên, hạnh phúc. Đó cũng là vũ điệu thể hiện đạo lý tưởng nhớ tổ tiên, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và lòng người, cõi sống và cõi chết, thế hệ trước và thế hệ sau, thắp l&e

Ông Hầu Thanh Tĩnh, nghệ nhân cao tuổi Dân tộc Sán chay ở xã Tức Tranh, huyện Phú Lương cho chúng tôi biết: Điệu nhảy “Tắc xình” của dân tộc Sán Chay ở Phú Lương, Thái Nguyên có nhiều nét độc đáo, sôi động với số người tham gia đông nhất, trong màn múa này có 16 nam thanh nữ tú trong trang phục lễ hội truyền thống và 8 người chơi nhạc cụ dân tộc trống, kèn và gõ những ống nứa to nhỏ, dài ngắn khác nhau rất dân dã và độc đáo tạo ra những âm thanh lúc trầm lúc bổng, lúc khoan lúc nhặt giữ nhịp cho điệu nhảy. “Tắc xình“, là một điệu múa tập thể, để chuẩn bị tốt cho cuộc giao lưu thành công, người Sán Chay thường đào sâu xuống đất khoảng 60 cm, đáy rộng khoảng 50-60 cm, nhưng phía trên chỉ rộng 20 cm, sau đó lấy vỏ cây gỗ treo bịt lên trên miệng hố, dùng một loại dây rừng căng dài trên mặt đất, dùng một nhánh cây nhỏ chống dây cho thật căng miệng trống, sau đó gõ vào dây là đã tạo ra được những tiếng rất đặc trưng”. Đó là “Tắc xình” có 8 âm liên tiếp nhưng chỉ có hai âm “tắc” và âm “xình” hợp lại. “Tắc” là âm phát ra bởi tiếng gõ của thanh tre trên thân ống tre. Âm “xình” là âm phát ra do động tác nện ống tre xuống đất. Các âm “tắc“ và “xình“ phát ra liên tiếp 8 lần theo một trật tự nhất định để kết thành một khúc có giai điệu rất riêng không thể lẫn vào đâu được. Cả người diễn, người xem và nhạc công đều cùng tham gia trong vòng tròn nhảy múa, không hạn chế số lượng. Người múa, đồng thời cũng có thể là một nhạc công. Điệu nhảy đơn giản, âm thanh vui nhộn, là không gian để cho mọi người vui vẻ sau những ngày lao động mệt nhọc. Khi mùa xuân về, bắt đầu một năm mới cũng là lúc khởi sự của công việc nuôi trồng, chăn thả của nhà nông, người Sán Chay vào hội cầu mùa với vũ điệu “Tắc xình”, để cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, gia súc, gia cầm chóng lớn, trâu bò, dê, lợn chật chuồng, gà, vịt, ngan, ngỗng đầy sân, con người mạnh giỏi, cuộc sống sinh sôi, ấm no hạnh phúc… Lễ hội cầu mùa là hoạt động tín ngưỡng, tạ ơn trời đất, tạ ơn thần linh đã cho mưa gió thuận hòa, mùa màng tốt tươi, bản làng no ấm, và cầu khẩn sự che chở trong vụ tiếp theo. Với chức năng là một đơn vị được Bộ Văn hóa, TT&DL giao nhiệm vụ, vừa bảo tồn vừa phát huy những giá trị di sản văn hóa vật thể cũng như phi vật thể các cộng đồng tộc người trong cả nước, hàng năm Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam thường xuyên mời nghệ nhân tổ chức mở lớp truyền dạy các giá trị văn hóa văn nghệ đặc sắc, tiêu biểu gắn với các vùng miền như: Truyền dạy cồng chiêng Tây Nguyên, Múa xòe, múa sạp vùng Tây Bắc, Múa Ápsara, múa đội nước, hòa tấu trống Ghi năng dân tộc Chăm vùng duyên hải, Miền Trung, biểu diễn nhạc ngũ âm, múa lăm tơi dân tộc Khơ Me vùng Nam bộ… Nằm trong chuỗi những hoạt động đó, từ ngày 27/8 đến 2/9/2014, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam mời nghệ nhân dân tộc Sán Chay, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, đoàn nghệ nhân dân tộc Cao Lan, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đến trao truyền múa “Tắc xình” và biểu diễn múa khua lóng cho cán bộ viên chức Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, đồng thời biểu diễn phục vụ công chúng tham quan bảo tàng nhân kỳ nghỉ tết độc lập mồng 2.9.2014. Đặc biệt, lần đầu tiên tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra “đêm” hội ngộ Xình ca Sán Chay do nghệ nhân nhiều nhóm địa phương Cao Lan, Sán chỉ đến từ các tỉnh Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giàng, Hà Giang, Vĩnh Phúc… thể hiện trong 2 ngày (01- 02/9/2014). Ban tổ chức hy vọng, đây là một chương trình đặc biệt đầy bản sắc và giầu tính nhân văn. Theo Thạc sĩ Trần Văn Ái – Trưởng phòng Bảo tàng ngoài trời, chuyên gia nghiên cứu Văn hóa Sán Chay cho biết: Đã lâu lắm rồi, phải đến hơn mười năm nay có lẽ mới có cuộc Xình ca hội ngộ hôm nay.

Một số hình ảnh, tư liệu khảo sát:

 Nghệ nhân Cao Lan ở Làng Đá Cháy, xã Hòa Cuông, Chấn Yên, Yên Bái đang chuẩn bị đạo cụ để nhảy tắc xình
 Nghệ nhân hát xình ca người Cao Lan ở xã Hòa Cuông, huyện Chấn Yên, tỉnh Yên Bái
Tuốt thóc, một điệu múa trong nhẩy tắc xình của người Cao Lan
 Thầy cúng đang làm lễ trong nghi lễ cầu mùa của người Cao Lan ở làng Đá Cháy, xã Hòa Cuông, huyện Chấn Yên, tỉnh Yên Bái
 
 Nghệ nhân Cao Lan ở Làng Đá Cháy, xã Hòa Cuông, Chấn Yên, Yên Bái đang chuẩn bị đạo cụ để nhảy tắc xình
 
 Trang phục truyền thống của thầy cúng người Sán Chỉ ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.
 
 Nhạc cụ truyền thống dùng trong nghi lễ cầu mùa của người Sán Chỉ ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên
 
 Xôi ngũ sắc, loại xôi truyền thống được sử dụng cúng trong lễ cầu mùa của người Sán Chí ở Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên
 
 Các thiếu nữ đội lễ lên đình thổ công trong ngày lễ cầu mùa của người Sán Chí ở xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên
 
 Làm bánh chim câu, bánh sừng bò, loại bánh truyền thống trong lê cầu mùa của người Sán Chay
 
Nhấy tắc xình của người Cao Lan ở làng Giếng Tanh, xã Kim Phú, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
 Trang phục truyền thống của thiếu nữ Cao Lan ở làng Giếng Tanh, xã Kim Phú huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Trang phục truyền thống của phụ nữ Sán Chí ở Phú Lương, Thái Nguyên
Nhạc cụ gõ sử dụng trong lễ tắc xình
* Quý vị quan tâm xin truy cập trên trang Website của bảo tàng (mcve.org.vn) hoặc gọi điện thoại liên hệ tới BTC: 0280 3855781; 0968886666; 0913349658; 0912726101.