Phụ nữ Việt Nam Bất khuất -Trung hậu – Đảm đang (Chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ (8/03/1910 – 8/03/2014)

Như đã biết truyền thuyết thời Hùng Vương khắc sâu trong ký ức cộng đồng những giá trị cội nguồn dân tộc Việt. Mẹ Âu Cơ sinh trăm trứng nở trăm con, nhắc nhở “đồng bào” là một mẹ sinh ra, dẫu nòi Rồng giống Tiên là “tương khắc, bất đồng” mà vẫn dung nạp khác biệt, hòa hợp âm dương sinh sôi con đàn cháu đống.
Người phụ nữ trong truyền thuyết thời sơ sử hồn nhiên mà quyết liệt, trong nghịch cảnh vẫn khẳng định mình như Tiên Dung, như người vợ của hai anh em song sinh trong tích Trầu Cau, như người đàn bà vọng phu ôm con hóa đá, như Mỵ Châu dẫu hai lần mang trọng tội vẫn được khoan dung nhìn nhận là trắng ngần, trong suốt ngọc trai.

Lịch sử Việt Nam có hơn nghìn năm Bắc thuộc trong hơn hai nghìn năm lịch sử biết tương đối rõ ràng. Mở đầu trang sử chống Bắc thuộc là chiến công của hai nữ tướng: “Đô kỳ đóng cõi Mê Linh, Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.” Lời thề xuất quân của Hai Bà Trưng được ghi lại trong Thiên nam ngữ lục: “Một xin rửa sạch nước thù, Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng, Ba kẻo oan ức lòng chồng, Bốn xin vẹn vẹn sở công lênh này.” Nợ nước trước thù chồng, tham gia gánh vác việc chung là điều rất bình thường trong vô số nữ binh, nữ tướng hưởng ứng khởi nghĩa Mê Linh dưới trướng Hai Bà. Chỉ vài thế kỷ sau đó, người thiếu nữ Triệu Thị Trinh đã phải tự khẳng định mình vượt lên trên thường tình nhi nữ: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng kình ngoài biển Đông, quét sạch quân Ngô ra ngoài bờ cõi chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta.” Lẫm liệt là như thế, một lý tưởng đời người, oai phong là như thế, Vua Bà làm kinh sợ đối phương. Nhưng suốt nhiều trăm năm tiếp theo, do trật tự nam trọng nữ khinh, nam ngoại nữ nội, phụ nữ hình như không có mặt hay không còn lưu dấu trong lịch sử chiến tranh, ngoại trừ hiếm hoi những ả Đào, những phụ nữ vô danh trong khởi nghĩa Lam Sơn, hay trong đội quân áo vải cờ đào của Quang Trung Nguyễn Huệ. Nữ tướng Bùi Thị Xuân, rồi vợ ba Cai Vàng, vợ ba Đề Thám, những danh xưng nhiều khi chưa lưu dấu tên người phụ nữ nhưng đủ minh chứng truyền thống quật cường của những người đàn bà không chỉ làm vợ và làm mẹ.

Nhưng lịch sử nào phải chỉ có chiến tranh và khởi nghĩa. Ỷ Lan từ cô gái hái dâu trở thành nguyên phi, rồi Thái hậu; hai lần nhiếp chính thay chồng, thay con trị nước là hai lần để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng người. Được tôn xưng Phật bà Quan âm vì dân no ấm, khiến Thánh Tông không thể lui quân mà không giành chiến thắng; nàng công chúa Trần Huyền Trân trở thành bà hoàng Chiêm quốc để đất nước thêm hai châu Ô, Rí; Văn thơ hay danh phận được nhiều đời truyền tụng, nhưng hậu thế hiểu đến đâu tâm hồn phụ nữ của những Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Thị Hinh (mà người đời thường chỉ biết dưới danh xưng bà Huyện Thanh Quan), Hồ Xuân Hương, Lê Ngọc Hân hay gần hơn là những bà Từ Dũ, Từ Cung và Nam Phương hoàng hậu?… Chính sử Việt Nam tuy ít nói về phụ nữ song thường lưu dấu hình ảnh đẹp; cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng từ đầu công nguyên được trân trọng ghi chép và bình luận, tôn vinh kể cả trong những thời Nho giáo độc tôn cứng rắn nhất.

Trong phong trào cách mạng đầu thế kỷ 20, Đông kinh nghĩa thục cũng như các trường học cách mạng khác bắt đầu có vài cô giáo bên cạnh các thầy. Lê Thị Đàn được Phan Bội Châu tôn xưng Ấu Triệu, cô Bắc, cô Giang dưới ngọn cờ Việt Nam Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học, rồi Minh Khai và những nữ đảng viên cộng sản đầu tiên, những người phụ nữ cứ đông dần lên và được biết đến nhiều hơn cùng với sự phát triển của cuộc đấu tranh chống áp bức xã hội, chống chủ nghĩa thực dân.

Phong trào giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cùng hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã thu hút nhiều thế hệ phụ nữ tham gia. Họ là học sinh, trí thức, là công nhân, nông dân, là thiếu nữ phơi phới tuổi xuân hay người vợ, người mẹ tiễn chồng rồi lại tiễn con, cháu lên đường chiến đấu. Người phụ nữ có mặt khắp hậu phương, tiền tuyến, là chiến sĩ hay tướng cầm quân, là người xoa dịu nỗi đau hay nạn nhân thầm lặng, vừa đánh giặc vừa làm trăm nghìn công việc khác, không ít người vì cuộc chiến kéo dài mà gác lại bao nhiêu sinh hoạt đời thường như yêu đương, lấy chồng, sinh con, nuôi dạy con khôn lớn, như học tập, hành nghề, lo cơm áo cho gia đình, thực hiện hoài bão, ước mơ riêng. Từ khắp mọi miền đất nước họ đã cùng dân tộc viết những trang đau thương, anh dũng của cuộc kháng chiến bền bỉ và rất đỗi anh hùng, vì độc lập tự do cho tổ quốc và vì nhân cách con người. Vì lẽ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban tặng phụ nữ Việt Nam: “anh hùng, bất khuất – trung hậu, đảm.