Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2014

  Ngày 10/7/2014, Bảo tàng VHCDT Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2014 và đề ra phương hướng nhiệm vụ cho 6 tháng cuối năm.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế – xã hội còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tình hình ở biển Đông đang có những diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến kinh tế – chính trị trong nước, nhưng Bảo tàng VHCDT Việt Nam vẫn vững vàng, kiên định với đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, Bảo tàng VHCDT Việt Nam đã đón hơn 60 nghìn lượt khách tham quan, trong đó có 140 đoàn và 2 nghìn lượt khách quốc tế. Tổ chức 11 cuộc trưng bày triển lãm trong và ngoài đơn vị với các chuyên đề: “Những năm Ngọ vẻ vang trong lịch sử dân tộc Việt Nam”, “Phụ nữ xưa và nay”, “Điện Biên Phủ, 60 năm một bản hùng ca”, “Văn hóa trong gia đình các dân tộc Việt Nam”, “ Nhạc cụ các dân tộc Việt Nam”, “ Biển đảo quê hương với những phiến đá tượng trưng 21 đảo của Việt Nam đang nắm giữ, kết hợp tổ chức giao lưu, tuyên truyền “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Hoạt động vì ngư dân bám biển do Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam phối hợp với các đơn vị: Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy – cứu nạn cứu hộ Thái Nguyên, Câu lạc bộ “Tôi yêu Bảo tàng”, Sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Câu lạc bộ taekwondo tỉnh Thái Nguyên tổ chức. Qua đó quyên góp ủng hộ các chiến sỹ và ngư dân thông qua quỹ “Vì biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa” số tiền: 8.909.000đ.

Bảo tàng đã thực sự đổi mới trưng bày và cách chuyển tải văn hóa, kết hợp giữa chiều sâu câu chuyện với tính động như trải nghiệm, trình diễn minh họa ở mọi không gian trưng bày, thu hút đông đảo du khách tham quan trong nước và quốc tế, tạo được những ấn tượng sâu sắc cho du khách. Hàng loạt trưng bày chuyên đề như triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” tại tỉnh Bạc Liêu, phục vụ Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất tháng 4/2014, Điện Biên phủ 60 năm một bản hùng ca, Biển đảo quê hương, theo dòng thời gian phụ nữ  xưa và nay…, Bảo tàng VHCDT Việt Nam đã thu hút các nghệ nhân dân tộc H’mông, Tày, Thái, các cán bộ học sinh, sinh viên, tham gia trình diễn các tiết mục đặc sắc như: Thổi sáo Mông, khèn Mông, múa ô, cồng chiêng Tây Nguyên, nghi lễ Tẳng cẩu, trống chiêng, múa xòe, sạp dân tộc Thái, múa cầu mùa dân tộc Khơ Mú, múa đội nước, hòa tấu nhạc cụ dân tộc Chăm, biểu diễn nhạc ngũ âm, múa Lăm tơi dân tộc Khơmer… bước đầu tạo dựng thương hiệu riêng của Bảo tàng đối với du khách tham quan trong nước và quốc tế.

Bảo tàng đã tổ chức các đoàn đi nghiên cứu sưu tầm hiện vật tại các tỉnh Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Lào Cai, Bắc Kạn, sưu tầm được 472 hiện vật, chụp 700 ảnh, quay 15 băng tư liệu về các hoạt động văn hóa dân tộc có giá trị nhập kho cơ sở. Thường xuyên bổ sung, nâng cấp khu trưng bày ngoài trời trong khuôn viên Bảo tàng, nhằm đáp ứng nhu cầu du khách tham quan.

Công tác nghiên cứu khoa học: Tiếp tục thực hiện 04 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ (khóa 2012-2013), trong đó đã nghiệm thu cấp cơ sở 02 đề tài, triển khai 02 đề tài mới (khóa 2013-2014 và 2014-2015). Công tác đối ngoại: Tham gia trưng bày và dự khai trương Bảo tàng Dệt châu Á tại Siemriep-Campuchia mở ra mối quan hệ với các quốc gia trên thế giới

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Hội nghị đã chỉ ra những mặt còn  hạn chế cần, khắc phục, bổ sung và đề ra các phương hướng hoạt động cho 6 tháng cuối năm 2014.