Đồng hành theo dấu chân người phụ nữ Việt Nam

Đó là chuỗi hoạt động, trải nghiệm dành cho công chúng tham quan triển lãm “Phụ nữ Việt Nam, xưa và nay” được tổ chức tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam từ ngày 08/03/2014- 07/05/2014. Hoạt động mang ý nghĩa thiết thực chào mừng kỉ niệm 140 năm ngày Quốc tế Phụ nữ, 39 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), ngày Quốc tế lao động (1/5) và 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Với mục đích tuyên truyền, giáo dục và ca ngợi những giá trị truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” gắn liền với sinh hoạt đời thường, cũng như trong công cuộc đấu tranh, giành độc lập dân tộc, xây dựng bảo vệ tổ quốc qua những chặng đường lịch sử. Tham quan trưng bày triển lãm, du khách sẽ được tham gia các hoạt động văn hóa, giáo dục trải nghiệm gắn với từng nội dung trưng bày cụ thể: Vào thế kỉ 7 trước CN, người Lạc Việt (phía Bắc Việt Nam) lập ra nhà nước Văn Lang đầu tiên do các vua Hùng cai trị, đóng đô ở Phong Châu (Phú Thọ ngày nay). Du khách cùng tham gia trải nghiệm lịch sử về mẫu Âu Cơ với truyền thuyết Lạc long Quân và Âu Cơ – đẻ ra trăm người con, 50 người theo mẹ lên rừng, 50 người con theo cha xuống biển.. Thời kì vua Hùng dựng nước với sự tích Bánh Chưng, Bánh Dày thể hiện quan niệm: Trời tròn, đất vuông và tỏ lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà tổ tiên.  Đến thế kỉ 3 TCN, Thục Phán, thủ lĩnh bộ tộc Âu Việt (là một trong những bộ tộc của Bách Việt ở phía Bắc Văn Lang) cùng vua Hùng thứ 18 đánh bại quân  xâm lược nhà Tần. Sau khi chiến thắng quân Tần, vua Hùng nhường ngôi cho Thục Phán (Thục Phán lấy niên hiệu là An Dương Vương), sát nhập hai nước Âu Việt và Lạc Việt thành nước Âu Lạc, đóng kinh đô tại Cổ Loa, Đông Anh, Hà nội. Cuối thời Tần, vào năm 207 TCN, Triệu Đà đem quân thôn tính, sát nhập nước Âu Lạc, Mân Việt  thành lập nước Nam Việt đóng kinh đô tại Quảng Châu. (Câu chuyện chiếc nỏ thần), Nước Âu Lạc bị đô hộ mở đầu cho thời kì lịch sử đen tối, đau thương, hơn 1000 năm của dân tộc Việt. Nước Âu Lạc bị sáp nhập thành các quận, huyện của các nhà nước phong kiến phương Bắc. Trong thời gian này, tuy bị cai trị, bóc lột tàn nhẫn, hà khắc nhưng nhân dân ta không những không chịu khuất phục mà còn liên tục vùng lên đấu tranh nhằm giành lại độc lập tự chủ, chống bị Hán hóa. Các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu như Hai bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, anh em Triệu Quốc Đạt và Triệu Thị Trinh… chống lại sự cai trị của ngoại bang. Năm 541, Lý Bí nổi dậy khởi nghĩa, đánh đuổi nhà Lương, lập ra nhà nước Vạn Xuân- tự xưng đế là Lý Nam Đế. Năm 939, Ngô Quyền xưng Vương sau trận chiến lịch sử trên sông Bạch Đằng đánh tan quân xâm lược Nam Hán, mở đầu nền độc lập dân tộc chấm dứt 1000 năm đô hộ của giặc phương Bắc., Đinh Bộ Lĩnh phất cờ khởi nghĩa năm 968, dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, xưng đế và đặt tên nước là Đại Cồ Việt- trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau 1000 năm Bắc thuộc. Đại Cồ Việt là nhà nước mở đầu cho thời đại độc lập, tự chủ, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền ở Việt Nam- và là nền móng sáng lập nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam. Đại Cồ Việt đã trải qua các triều đại nhà Đinh- Trần –Lê- Lý – Nguyễn. Năm 1054 vua Lý Thánh Tông đổi tên nước thành Đại Việt. Trải qua gần 1 thiên niên kỉ trong lịch sử, các triều đại phong kiến Việt Nam dù lúc thịnh lúc suy, nhưng ở triều đại nào, lòng yêu nước, ý chí quật cường của nhân dân  đã hợp thành sức mạnh dân tộc để chiến thắng kẻ thù. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Gia Long, đặt tên nước là Việt Nam, mở ra triều đại nhà Nguyễn kéo dài cho tới năm 1945 qua các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, mở đầu cho sự cai trị hà khắc của chế độ nửa phong kiến, nửa thực dân đã đẩy nhân dân ta đến tột cùng của sự khổ ải, đau thương “ kéo cày thay trâu” nạn đói khắp nơi nổ ra “cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”, thiếu cả muối trắng. Phụ nữ, trẻ em có lẽ là khổ hơn tất cả bởi quan niệm “tam tòng tứ đức” dẫu có thông minh nhưng cũng chẳng được học hành, suốt ngày ra cúi vào luồn chỉ quẩn quanh bên xó bếp. “Một nam cũng là có, 10 nữ cũng như không”. Trong cái định kiến ấy, âm thanh du dương của những làn điệu chầu văn, ả đào, thơ sâu lắng pha lẫn chút tủi hờn về thân phận người phụ nữ lấy chồng chung, mua vui cho thiên hạ. Các trải nghiệm văn hóa có: chơi chuyền, chơi ô ăn quan, chơi chắt, xay thóc lôi cuốn các đối tượng khách tham quan vì họ hiểu thêm nỗi khổ mất nước và gia đình.  Dưới ách thống trị của bọn thực dân phong kiến, người miền núi cũng như người miền xuôi đều chịu nỗi khổ cùng cực, bất hạnh, sự cai trị khắc nghiệt của chúng đã biến những người phụ nữ thành “con rùa nuôi trong xó cửa” thậm chí không bằng một con vật. Hình ảnh người phụ nữ Mông ngày đêm miệt mài xay ngô, yêu không được lấy mà chung số phận gả bán. Dù có làm dâu nhưng cũng chỉ như một nô lệ, làm việc không công. Trích đoạn “tục cướp vợ” truyền thống  là niềm mơ ước của những chàng trai cô gái Mông. Trong cái địa ngục tối tăm ấy, vẻ đẹp tâm hồn, sức sống mãnh liệt và khát khao tự do của người phụ nữ vẫn âm ỉ cháy.. Tiếng khèn, tiếng sáo Mông gọi bạn tình vẫn réo rắt, thiết tha:  Mày có con trai con gái rồi Mày đi làm nương Ta chưa có con trai con gái Ta đi tìm người yêu. Nỗi khát khao giải phóng mình theo ánh sáng của cách mạng đã làm thay đổi cuộc sống của miền núi. Thực dân Pháp ra sức bóc lột tài nguyên, nhân, vật lực của Việt Nam, nhấn chìm các cuộc khởi nghĩa của nông dân, một số danh sĩ yêu nước bằng xiềng xích. Không cam chịu nô lệ, nhiều nhà yêu nước nổi tiếng như Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, Lương Văn Can… đi tìm đường cứu nước, nhưng kết cục đều bị thất bại. Sống trong bối cảnh nước mất, các thế hệ người dân Việt Nam lúc ấy đều mong muốn đánh đuổi giặc Pháp, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, một con đuờng mới cho cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Năm 1924, tại Quảng Châu, Trung Quốc, người thành lập “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội”- tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngày 3/2/1945, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong Cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, về con đường cứu nước, cứu dân, thống nhất đất nước, thoát khỏi ách áp bức của thực dân, phong kiến, thoát khỏi bần cùng, lạc hậu. Mùa xuân năm 1941, sau hơn 30 năm bôn ba nước ngoài, rời xa Tổ quốc, Người về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày 19/5/1941, giữa vùng núi rừng Pắc Bó, Mặt trận Việt Minh ra đời giữa lúc nhân dân Việt Nam đang rên xiết trong cảnh một cổ hai tròng, vận mệnh dân tộc đang trong cảnh nước sôi lửa nóng. Với một quyết tâm được xác định rõ: “Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, làm cho dân Việt Nam được sung sướng tự do”, Mặt trận Việt Minh đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Mở đầu là cao trào Xô Viết –Nghệ Tĩnh (năm 1930-1931)- đây là cuộc khởi nghĩa đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản từ khi ra đời và là cuộc diễn tập đầu tiên của nhân dân ta chuẩn bị cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám sau này. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh của nhân dân cả nước đã bùng lên thành bão táp cách mạng, quyết giành lại độc lập, tự do. Ngày 19/8, Tổng khởi nghĩa thành công ở Hà Nội, ngày 23/8 ở Huế, và ngày 25/8 ở Sài Gòn. Trong một thời gian ngắn, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước đã thành công, làn sóng cách mạng và sức mạnh bạo lực cách mạng của quần chúng đã làm tê liệt mọi sự kháng cự của các thế lực thù địch, xoá bỏ bộ máy chính quyền của giai cấp thống trị, chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân. Ngày 02/9/1945, trong cuộc mít tinh tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc, thời đại Hồ Chí Minh. Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta luôn ghi nhận phụ nữ Việt Nam là một lực lượng to lớn, đã cống hiến rất nhiều cho nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Tự hào về truyền thống đó, chúng ta không thể không nhắc tới thế hệ phụ nữ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh và  những đóng góp của họ cho sự thành công trong các cuộc kháng chiến đánh Pháp, đuổi Mỹ. Trong hàng ngàn, hàng vạn tấm gương nữ anh hùng của dân tộc, chúng ta đã từng được nghe về đội nữ du kích Hoàng Ngân- bất chấp nguy hiểm che giấu, canh gác, bảo vệ cán bộ, chắp mối gây dựng cơ sở, giữ vững phong trào đấu tranh. Mặc dù gian khổ hy sinh, đạn bom dữ dội nhưng chị em vẫn động viên nhau làm tròn nhiệm vụ. Bị giặc bắt, tra tấn dã man hay khi bị tù đầy, các mẹ, các chị vẫn giữ vững khí tiết, không khuất phục trước kẻ thù… Cách mạng Tháng Tám thành công, nhưng con đường kiến quốc còn đầy gian nan, thử thách. Đảng và Chính phủ xác định cả dân tộc tập trung thực hiện ba nhiệm vụ lớn có tính cấp bách: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm. Trong đó, Chính phủ coi diệt giặc dốt là nhiệm vụ cần thực hiện cấp tốc. Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ. Cả nước dấy lên Phong trào Bình dân học vụ – một  phong trào chống nạn mù chữ sôi nổi, mạnh mẽ trong cả nước. Từ già, trẻ, gái, trai, từ miền xuôi đến miền ngược ai ai cũng tham gia nhiệt tình. Một không khí tham gia bình dân học vụ được lan tỏa khắp làng trên xóm dưới, đâu đâu cũng vang tiếng ê a học bài. Tinh thần học tập được lan tỏa khắp không gian và thời gian. Mọi người học tranh thủ ở tất cả mọi nơi, khi đi làm đồng, đi chợ… Những câu: “O tròn như quả trứng gà. Ô thì đội mũ, ơ thì có râu…” được mọi người học thuộc và đọc râm ran. Xuất hiện nhiều câu ca dao, hò vè cổ động cho phòng trào BDHV: “Hôm qua anh đến chơi nhà/ Thấy mẹ dệt vải thấy cha đi bừa/ Thấy nàng mải miết xe tơ/ Thấy cháu “i- tờ” ngồi học bi bô…”. Tháng 12-1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chi Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu ngày 7-5-1954. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 là chiến thắng của cuộc chiến tranh nhân dân trên phạm vi cả nước, là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó vấn đề hậu cần đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong điều kiện tiền tuyến cách xa hậu phương đến 400- 500km, thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, đường xá hư hỏng, nhưng ta phải bảo đảm cung cấp một khối lượng lớn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, đồ dùng, thuốc men một cách nhanh chóng, liên tục, thời gian gấp rút. Đặc biệt, việc tiếp tế cần được giữ bí mật ở mức cao nhất nhằm tránh địch phát hiện và đánh phá.Tuy nhiên, với tinh thần “Quyết chiến quyết thắng”, hàng vạn dân công đã được huy động để vận chuyển lương thực và đạn dược ra trận với phương tiện thô sơ. Một trong những phương tiện vận chuyển hiệu quả nhất thời điểm đó là chiếc xe đạp thồ. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội và dân công của ta sử dụng hơn 21.000 chiếc xe đạp thồ, được gọi với tên là “binh chủng xe đạp thồ” hoạt động trên suốt chiều dài gần 1.500km. Đội quân xe đạp thồ xuất hiện ở Điện Biên là một sự kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh, không chỉ ở Việt Nam mà cả lịch sử chiến tranh thế giới. Là minh chứng sinh động cho tinh thần và ý chí quyết tâm không có gì lay chuyển được của một dân tộc trên con đường tìm lại độc lập tự do. Những âm thanh vang dội của tiếng bom, tiếng hò ô kéo pháo vào trận địa, tiếng reo hò vui mừng chiến thắng, những lời chúc tụng mừng cô dâu, chú rể trong nghi lễ “Tẳng cẩu” của dân tộc Thái, âm thanh rộn ràng, vui tươi của những chàng trai, cô gái dân tộc Thái trong điệu múa sạp đã làm không khí chiến thắng như được nhân lên. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ  được kí kết, sông Bến Hải trở thành giới tuyến quân sự ngăn cách Việt Nam thành hai vùng tập trung. Cuộc sống của người dân hai bên bờ sông bị ảnh hưởng nặng nề. Trong những năm tháng kháng chiến, ngoài duy trì các hoạt động sản xuất và chi viện cho chiến trường, việc giữ vững nền nếp giáo dục là một yêu cầu tiên quyết được đặt ra.  Những lớp học tranh tre nứa lá, có hầm tránh bom ngay bên cạnh, nằm khuất trong rừng, mỗi khi nghe tiếng kẻng báo động là tất cả chui vào hầm. Hình ảnh những em học sinh đi học với chiếc mũ rơm và bên chiếc cặp là túi cứu thương đã trở thành hình ảnh tiêu biểu cho nỗ lực của ngành giáo dục Việt Nam trong một giai đoạn khá dài. Chiến tranh đã hun đúc nên một thế hệ học sinh tràn đầy ý chí, nghị lực.           Góp phần vào cuộc giải phóng đất nước mùa xuân năm 1975, còn có sự đóng góp hi sinh to lớn của các bà, các mẹ, các chị em phụ nữ Việt nam. Họ không chỉ lao động, sản xuất, chăm lo cho gia đình mà còn tích cực tham gia các hoạt động kháng chiến như liên lạc, chăm sóc cứu chữa thương binh, đi dân công…. Nhà ở của người dân lúc này không chỉ là nơi gặp gỡ các thành viên trong gia đình mà đã trở thành nơi che giấu cán bộ, một cơ sở cách mạng. Hình ảnh người phụ nữ Nam Bộ vừa ru con vừa đang cố tình đánh lạc hướng quân địch, che giấu bộ đội cho ta thấy lòng dũng cảm cũng như ý chí kiên cường của người phụ nữ Việt Nam. Tại đây trong văn hóa Việt Nam, những tiếng à ơi du con Nam Bộ, Bắc Bộ, Tây Nguyên dường như nâng bước chân của những người con xẻ dọc Trường Sơn vào Nam đánh giặc.  Năm 1968 là năm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh. Sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân, phía chúng ta phải trả giá bằng nhiều tổn thất. Yêu cầu tăng viện cho chiến trường vũ khí, lương thực, xăng dầu để củng cố lực lượng, giữ vững địa bàn trở nên vô cùng cấp thiết. Thêm vào đó, từ ném bom không hạn chế, Mỹ chuyển sang thực hiện kế hoạch ném bon hạn chế, tập trung toàn bộ sức mạnh không quân, hải quân đánh phá ác liệt 4 tỉnh thuộc khu 4 (cũ) nhằm ngăn chặn và cắt đứt con đường chi viện cho tiền tuyến của ta. Ðường Trường Sơn qua sông Lam, sông La đến địa phận Hà Tĩnh phải phơi mình trống trải khoảng 50km giữa đồng bằng. Ngã Ba Ðồng Lộc trở thành yết hầu của mạch giao thông nối liền “hậu phương lớn miền Bắc” với “tiền tuyến lớn miền Nam”. Mỹ biết được điều đó nên đã tập trung toàn lực để cắt đứt con đường này, chỉ riêng nửa đầu năm 1968, chúng đã trút xuống nơi đây 4.200 quả bom và tên lửa các lọai, không kể bom nổ chậm và mìn sát thương… Bên địch quyết phá, bên ta quyết giữ, chúng ta đã tập trung mọi nguồn lực để giữ bằng được con đường này. Vào lúc cao điểm nhất, chỉ tại ngã ba này thôi đã tập trung 1,6 vạn người, phần lớn là bộ đội pháo binh và lực lượng TNXP…”. Trong số đó có 10 cô gái tuổi đời còn rất trẻ- không quản nguy hiểm, gian nan, ngày đêm cần mẫn mở đường cho xe thông tuyến, dù bom rơi đạn nổ nhưng các cô vẫn yêu đời, cất cao tiếng hát “Ơi những cô con gái đang ngày đêm mở đường, hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường”. Ôi đáng quý, đáng tự hào biết bao trước những sự hi sinh to lớn của các chị. Trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh, không chỉ có nữ thanh niên xung phong chúng ta còn bắt gặp hình ảnh những người mẹ già, những người phụ nữ lái đò chở bộ đội thương binh đạn dược qua sông, giữ vững thông tin liên lạc giữa hai bờ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bộ đội và nhân dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ, “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hoá chiến tranh” và các cuộc tập kích bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ vào miền Bắc. Với cuộc Tổng tiến công và  nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, kết thúc 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một trong những trang chói lọi nhất của lịch sử dân tộc và là một sự kiện có tầm quốc tế và có tính chất thời đại sâu sắc, mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử nước ta – kỷ nguyên của một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và đi lên Chủ nghĩa xã hội. Trong không gian này du khách còn được trải nghiệm và hồi ức về đám cưới của anh bộ đội cụ Hồ và cô thôn nữ trong chiến tranh chống Mỹ. Trưng bày, giáo dục, trải nghiệm triển lãm chuyền đề “Phụ nữ Việt Nam, xưa và nay” sẽ kéo dài đến ngày 7 tháng 5 năm 2014. Cá nhân hay cơ quan có nhu cầu tham quan và trải nghiệm các hoạt động văn hóa, giáo dục trên xin đăng kí và liên hệ theo địa chỉ: Bảo tàng VHCDT Việt Nam: 0280.3 855 781. Ảnh trải nghiệm Trưng bày phụ nữ Việt Nam xưa và nay tại Bảo tàng VHCDT Việt Nam