Nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy thực hành hát Soọng Cô

Ngày 9/10, tại xóm Bờ Suối, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam tổ chức Khai mạc Chương trình hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu tại xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

Toàn cảnh Chương trình

Tham gia chương trình có 43 học viên, trong đó người cao tuổi nhất là 80 tuổi và 17 học viên từ 11 đến 16 tuổi. Các học viên là người dân đến từ 7 xóm tập trung nhiều đồng bào dân tộc Sán Dìu của xã Nam Hòa như: Bờ Suối, Gốc Thị, Chí Son… Theo kế hoạch, Chương trình diễn ra đến hết ngày 16/10/2023.

Đại diện lãnh đạo Bảo tàng Văn hoá các Dân tộc Việt Nam phát biểu Khai mạc Chương trình

Tại Chương trình, các nghệ nhân người dân tộc Sán Dìu sinh sống tại địa phương, am hiểu về văn hóa truyền thống và các điệu hát Soọng Cô sẽ trực tiếp truyền dạy. Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam sẽ thực hiện ghi hình để phục vụ công tác nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, trưng bày tại Bảo tàng và giáo dục di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Sán Dìu trong cộng đồng. Ngoài ra, Chương trình còn hỗ trợ 25 bộ y phục nữ và 10 bộ y phục nam dân tộc Sán Dìu cho đồng bào để phục vụ việc tập luyện, trao truyền và biểu diễn.

Tốp ca nữ Câu lạc bộ Soọng Cô xã Nam Hoà, huyện Đồng Hỷ biểu diễn làn điệu Soọng Cô ca ngợi Đảng, Bác Hồ

Được biết, xã Nam Hòa có 70% dân số là người đồng bào dân tộc Sán Dìu. Bà con dân tộc Sán Dìu có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó hát Soọng Cô và Nghi lễ cấp sắc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay số người biết hát và thực hành được các làn điệu Soọng Cô không còn nhiều, đặc biệt là thế hệ trẻ. Do đó, việc Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam đã tổ chức chương trình hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu tại xã Nam Hòa đã góp phần quan trọng trong bảo tồn, phát huy giá trị của loại hình dân ca độc đáo này.

Nguồn: Trần Huyền – thainguyen.gov.vn