Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng, sáng ngày 17/5/2024, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam tổ chức tọa đàm “Sinh viên Thái Nguyên với Bảo tàng và di sản văn hóa Việt Nam”. Chương trình thu hút đông đảo sự quan tâm của các bạn sinh viên, giảng viên, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý đến từ các bảo tàng/di tích trên địa bàn tỉnh; 8 trường Đại học và Cao đẳng cũng như một số bảo tàng ngoài tỉnh qua hình thức trực tuyến
Với 2 chủ đề “Bảo tàng với việc khai thác di sản văn hóa phục vụ nhu cầu tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm của sinh viên và Sự gắn kết giữa giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường và bảo tàng” gồm 18 bài tham luận được chia làm 2 phiên đã đưa cho những người tham dự tiếp cận các góc nhìn khác nhau trong vấn đề bảo tàng/di tích với nhà trường/sinh viên thông qua con đường di sản văn hóa. Đây cũng là dịp để các bảo tàng/di tích, các nhà nghiên cứu, các học giả, giảng viên, các bạn sinh viên…trên địa bàn thành phố Thái Nguyên có cơ hội chia sẻ và trao đổi ý tưởng, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy di sản văn hóa trong nhà trường và đổi mới hoạt động giáo dục trải nghiệm văn hóa dành cho đối tượng sinh viên tại các bảo tàng/di tích.
Trong đó, có nhiều ý kiến mang lại góc nhìn đa dạng, sâu sắc về mối quan hệ giữa bảo tàng/di tích – di sản văn hóa – nhà trường/sinh viên như: Quan điểm, cách tiếp cận, phương pháp giáo dục lịch sử văn hóa địa phương; Tăng cường gắn kết giữa du lịch với giáo dục di sản văn hóa cho sinh viên tại Bảo tàng; Đẩy mạnh liên kết giữa nhà trường, bảo tàng và các công ty lữ hành trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hoá dân tộc; Sự gắn kết giữa giáo dục di sản văn hóa của sinh viên với bảo tàng…
Với bảo tàng và di tích thì Di sản văn hóa nằm trong chính bảo tàng/di tích và bảo tàng/di tích sẽ là cầu nối đưa di sản văn hóa tới sinh viên. Cách mà bảo tàng/di tích đưa di sản văn hóa tới sinh viên sẽ thể hiện tính hiệu quả, giá trị cũng như sự quan tâm của các nhà trường, sinh viên đối với di sản văn hóa cũng như với bảo tàng và di tích. Đây là mối quan hệ hai chiều, hợp tác và có nhiều mối liên hệ lợi ích với nhau. Bảo tàng/di tích sẽ phát huy được lợi thế vốn có của mình, vừa thực hiện được nhiệm vụ chính trị và cũng thực hiện được việc đưa di sản văn hóa tới đông đảo các đối tượng. Nhà trường và sinh viên sẽ có thêm những địa chỉ đáng tin cậy về di sản văn hóa, tham quan, nghỉ ngơi hay việc hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao sản phẩm, góp phần cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Toàn cảnh tọa đàm: “Sinh viên Thái Nguyên với Bảo tàng và di sản văn hóa Việt Nam”. Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tại buổi toạ đàm “Sinh viên Thái Nguyên với Bảo tàng và di sản văn hóa Việt Nam”
Một số đại biểu trình bày tham luận tại buổi toạ đàm “Sinh viên Thái Nguyên với Bảo tàng và di sản văn hóa Việt Nam”
BẢO TÀNG VHCDT VIỆT NAM