Bảo tồn văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc Quảng Ninh

Văn hóa các dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam thống nhất, đa dạng. Với quan điểm đó, trong những năm qua, Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực xây dựng, thực hiện các đề án bảo tồn văn hóa, đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ vùng dân tộc thiểu số, nhất là ở khu vực miền Đông của tỉnh. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, xây dựng nền văn hóa Quảng Ninh giàu bản sắc.

Bảo tồn văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc Quảng Ninh - Ảnh 1.

Ngày hội Kiêng gió của dân tộc Dao Thanh Phán xã Đồng Văn (huyện Bình Liêu) năm 2023.

Khu vực Đông Bắc của Quảng Ninh là nơi hội tụ nhiều nền văn hóa, di sản của cộng đồng các dân tộc Kinh, Tày, Dao, Sán Chỉ, Sán Dìu… Qua thời gian, cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây vẫn gìn giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo, từ những làn điệu dân ca đến văn hóa, phong tục, lễ hội truyền thống, nét đẹp trang phục, ẩm thực… tạo nên dấu ấn văn hóa đặc sắc, riêng có.

Tại Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” đã xác định nghiên cứu để phát huy các giá trị đặc sắc về văn hóa các dân tộc, văn hóa biển đảo, văn hóa công nhân mỏ, sự giao thoa văn hóa của nền văn minh sông Hồng hình thành văn hóa và con người Quảng Ninh. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV tiếp tục nhấn mạnh phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa… là một trong số bốn nhiệm vụ trọng tâm và một trong ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Bảo tồn văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc Quảng Ninh - Ảnh 2.

Du khách mặc trang phục truyền thống của người Dao check in tại chợ phiên Hà Lâu năm 2022. Ảnh: Phan Hằng

Cụ thể hóa các mục tiêu của nghị quyết, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tích cực thực hiện khảo cứu, sưu tầm, xây dựng các đề án nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số từ văn học, văn nghệ, trò chơi dân gian đến phong tục tập quán, lễ hội truyền thống… Trong đó, các địa phương miền Đông của tỉnh có phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, hàng năm đều tổ chức các tuần văn hóa – thể thao, văn hóa – du lịch với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc vừa tạo sân chơi, giao lưu văn hóa lành mạnh của nhân dân vừa góp phần giới thiệu nét đẹp văn hóa tới du khách.

Cụ thể, huyện Tiên Yên đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU “Về việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa huyện Tiên Yên giai đoạn 2022-2025”. Từ đây, huyện đã tập trung xây dựng Làng văn hóa dân tộc Tày, thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ; xây dựng Làng văn hóa dân tộc Sán Dìu, xã Hải Lạng; duy trì Chợ phiên văn hóa vùng cao Hà Lâu; nâng tầm Phố đi bộ Tiên Yên; tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Tuần Văn hóa, Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh…

Bảo tồn văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc Quảng Ninh - Ảnh 3.

Huyện Bình Liêu tổ chức hội thi “Người trình diễn trang phục dân tộc đẹp nhất” năm 2022.

Là địa phương có trên 96% đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Bình Liêu cũng đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống thông qua xây dựng các đề án, như: Đề án bảo tồn văn hóa các dân tộc trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Đề án bảo tồn bản văn hóa người Tày thôn Đồng Thanh (xã Hoành Mô); xây dựng bản văn hóa người Dao tại Sông Moóc, xã Đồng Văn… Cùng với đó, mỗi dịp lễ hội Đình Lục Nà, Hội Soóng cọ, Ngày Kiêng gió được duy trì tổ chức hằng năm đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ nơi đây. Các trò chơi dân gian, các hoạt động tái hiện nghi lễ truyền thống, như: Lễ cấp sắc của người Dao, các nghi lễ đám cưới, rước dâu của người Dao, Sán Chỉ, lễ thôi nôi của người Tày… và các làn điệu hát Then của người Tày, hát Pả dung của người Dao, điệu Soóng cọ của người Sán Chỉ, đã tạo nên một không gian lễ hội rực rỡ sắc màu văn hóa.

Đặc biệt, nghi lễ Then của người Tày ở Quảng Ninh mà Bình Liêu là đại diện tiêu biểu đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2013. Năm 2019, Di sản Thực hành hát Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Bảo tồn văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc Quảng Ninh - Ảnh 4.

Rực rỡ sắc màu Lễ khai mạc Tuần Văn hóa, Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh lần thứ III năm 2020. Ảnh: Xuân Thao (CTV)

Từ năm 2017, Tuần Văn hóa, Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh được tổ chức thường niên đã trở thành điểm hẹn văn hóa, quảng bá những nét đẹp truyền thống của đất và người vùng Đông Bắc Quảng Ninh. Tuần Văn hóa, Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV năm 2023 với chủ đề “Tiên Yên – Nơi kết nối sắc màu các dân tộc vùng Đông Bắc Quảng Ninh”, sẽ được tổ chức từ ngày 23- 27/8 tại huyện Tiên Yên với nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa độc đáo, hấp dẫn, như: Hội thi “Vua gà Tiên Yên”, Hội thi chế biến ẩm thực gà Tiên Yên và Liên hoan ẩm thực đường phố huyện Tiên Yên, Lễ hội nghệ thuật đường phố, Chợ phiên Hà Lâu, Hội chợ OCOP kết hợp thương mại, Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, Hội thi thể thao các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, Đua thuyền truyền thống… Qua đó, không ngừng kết nối, hội tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc vùng Đông Bắc Việt Nam.

Theo quangninh.gov.vn