Lễ cúng Thần rừng (Tam ma ngặt oom tia) của dân tộc Kháng tại bản Nậm Mu, xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên

Dân tộc Kháng là một trong 19 dân tộc cùng sinh sống ở tỉnh Điện Biên, thuộc nhóm ngôn ngữ Môn Khơme, ngữ hệ Nam Á. Tại tỉnh Điện Biên, dân tộc Kháng cư trú tập trung chủ yếu tại các huyện Mường Nhé; Nậm Pồ; Mường Chà, còn ở huyện Tuần Giáo thì chủ yếu cư trú tại xã Ta Ma và xã Rạng Đông. Trong quá trình cộng cư, dân tộc Kháng sống xen kẽ với các dân tộc và có sự giao thoa, ảnh hưởng nhiều về văn hóa, nhất là văn hóa của dân tộc Thái. Tuy nhiên, trong nhiều dạng thức văn hóa, người Kháng vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc tộc người. Điều này được thể hiện rất rõ qua các nghi thức, nghi lễ trong chu kỳ đời người, phong tục tập quán, lễ hội… trong đó tiêu biểu và đặc trưng nhất là Lễ cúng Thần rừng.

Lễ cúng Thần rừng là nghi lễ truyền thống có từ xa xưa, gắn liền với tập quán canh tác nông nghiệp của người Kháng. Đồng bào có quan niệm vạn vật hữu linh, vì thế họ luôn tin rằng các cánh rừng, mảnh nương, dòng sông, con suối… đều có thần linh ngự trị. Bởi vậy, việc mưa thuận gió hòa hay thiên tai, bão lũ, được mùa hay mất mùa, sức khỏe của người dân trong bản có được tốt hay không cũng đều do các vị thần linh định đoạt.

Lễ cúng Thần rừng của dân tộc Kháng, ở bản Nậm Mu, xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên thường được tổ chức vào khoảng tháng 3 âm lịch hàng năm và được diễn ra trong một ngày. Để chuẩn bị cho nghi lễ cúng Thần rừng diễn ra theo đúng trình tự về thời gian và giá trị văn hóa truyền thống, giáp ngày tổ chức, những người đàn ông đại diện cho các hộ gia đình dân tộc Kháng trong bản, mang vật liệu đã được chuẩn bị đến địa điểm tổ chức lễ cúng dưới một gốc cây to ở đầu nguồn nước dựng 02 sàn cúng: Sàn cúng chính có hai mái che, ghép phên nứa xung quanh. Sàn cúng phụ dành cho 12 vị thần linh được dựng phía sau sàn cúng chính.

Các lễ vật được dân bản chuẩn bị gồm có: 13 con gà trống, 01 con lợn, 01 bò, 01 chóe rượu cần, xôi, hương, hoa quả…. Bên cạnh công việc chuẩn bị đồ lễ, các gia đình trong bản còn tiến hành vệ sinh nhà cửa, bản làng; chuẩn bị những bộ trang phục truyền thống, tập luyện các tiết mục dân ca, dân vũ, các trò chơi truyền thống của dân tộc để tham gia nghi lễ.

Việc hành lễ cúng Thần rừng phải được thầy cúng xem giờ. Khi chọn được giờ tốt, dân làng mới bắt đầu mổ gà, lợn và bò để hiến tế. Nghi thức cúng Thần rừng gồm có 2 lễ chính:

* Nghi lễ cúng mời ba vị thần: Thần “Chom Uớt” – vị thần cai quản núi rừng của bản Nậm Mu; Thần “Bỏ Mú”“Bỏ Co” – hai vị thần cai quản 2 đầu nguồn nước trong bản. Nghi lễ được thực hiện tại sàn cúng chính, dựng sát gốc cây to, đây là khu vực thiêng của bản làng.          

* Nghi lễ cúng 12 vị thần: Nghi lễ được thực hiện tại sàn cúng phụ, trên đó đặt 12 mâm lễ cúng. Thầy cúng sẽ mời lần lượt 12 vị thần cai quản các vùng của người Kháng ở bản Nậm Mu. Sau mỗi lần hành lễ, thầy cúng thực hiện nghi thức gieo quẻ, để xem các vị thần linh đã về nhận lễ vật do bà con dân bản dâng lên chưa?

Khi các nghi lễ kết thúc, cũng là lúc thầy cúng cùng những người tham gia sẽ thụ hưởng các đồ lễ dâng cúng thần linh. Họ chúc tụng nhau làm ăn may mắn, dồi dào sức khoẻ. Sau đó, bà con trong các thôn, bản cùng nhau tham gia vui hội với các trò chơi dân gian như: đi cà kheo, kéo co, ném còn… Trong nhịp xòe, những chàng trai cô gái Kháng với trang phục truyền thống say mê uyển chuyển trong điệu múa, đắm chìm trong không khí vui tươi, phấn khởi, vì đã có Thần rừng bảo trợ, cùng nhau đoàn kết xây dựng bản làng ngày càng phát triển.

Có thể nói, lễ cúng Thần rừng là một trong những nghi lễ quan trọng trong đời sống văn hóa của dân tộc Kháng, là lễ hội đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, thể hiện ý thức tôn trọng và lòng biết ơn thần linh, trời đất, tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bản làng yên vui, no ấm, hạnh phúc. Qua đó góp phần phần giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho cộng đồng dân tộc Kháng nơi đây. Đồng thời, đây cũng là ngày hội đoàn kết của cộng đồng, để cùng gặp gỡ chia sẽ những kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, cùng nhau chung sức góp phần xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp.

Một số hình ảnh Lễ cúng Thần rừng của dân tộc Kháng, ở bản Nậm Mu, xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên:


Ảnh: Công tác chuẩn bị cho Lễ cúng Thần rừng của dân tộc Kháng.


Ảnh: Thầy cúng dâng lễ và gieo quẻ khấn mời các vị Thần linh về nhận lễ vật do bà con dân bản dâng lên.

Ảnh: Bà con dân tộc Kháng trong trang phục truyền thống hòa cùng không khí vui tươi, phấn khởi của Lễ cúng Thần rừng.

Nguyễn Ngọc Nhâm – Bảo tàng VHCDT Việt Nam