Tham quan và trải nghiệm – Một hướng mới trong chiến lược phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Sau khi khai trương khu vực trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Văn hóa Các dân tộc Việt Nam triển khai chương trình kết nối văn hóa truyền thống với cuộc sống đương đại, tìm tòi cách thức hướng dẫn tham quan đem những nội dung văn hóa dân tộc đến với du khách, gắn thế hệ hôm qua và thế hệ hôm nay bằng những sự kiện cụ thể.

Bảo tàng không ngừng sáng tạo, ứng dụng những phương pháp hướng dẫn sinh động hơn. Du khách không chỉ thưởng thức các giá trị văn hóa dân tộc mà còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm “mắt thấy –tai nghe- tay sờ”.

Về nội dung trưng bày cố định, Bảo tàng Văn hóa Các dân tộc Việt Nam không ngừng thay đổi, chỉnh lý các hiện vật trưng bày, cũng như các hoạt động gắn với các tổ hợp trưng bày. Như ở tổ hợp Hát quan họ Bắc Ninh với hình ảnh thực tế là các liền anh – liền chị, áo the khăn xếp đang hát giao duyên với các làn điệu quan họ; Tổ hợp cô gái Tày cầm đàn tính, nhạc sóc thể hiện các điệu then của dân tộc Tày; Tổ hợp múa ô, thổi khèn của chàng trai-cô gái Hmông cũng được hiện thực hóa một cách sinh động hơn…Bảo tàng đã đưa các hoạt động trải nghiệm gắn với từng khu trưng bày, từng tổ hợp để làm phong phú thêm các hoạt động trong quá trình hướng dẫn tham quan theo các lộ trình, từng bước đáp ứng nhu cầu của mỗi đối tượng khách, tùy theo lứa tuổi, trình độ và yêu cầu của đoàn.

Song song với việc nâng cao chất lượng các tổ hợp trưng bày là các chương trình trải nghiệm được xây dựng kỹ lưỡng. Tùy theo mỗi ngày lễ kỷ niệm của quốc gia như ngày thành lập Đảng 3/2; Ngày Giải phóng Miền Nam 30/4; Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5; Ngày Quốc phòng toàn dân 22/12… Bảo tàng đã xây dựng các chương trình theo các chủ đề riêng phù hợp với mỗi ngày lễ. Những chương trình này không chỉ phục vụ khách theo đoàn có số lượng lớn và còn dành cho những nhóm nhỏ.

Thông qua các hoạt động trải nghiệm gắn với tham quan trưng bày, khách tham quan được nghe thuyết minh, được quan sát ở cự ly gần và trực tiếp tham gia hoạt động trải nghiệm gắn với từng nội dung trưng bày, triển lãm.

Bảo tàng đã xây dựng các chương trình trải nghiệm có chủ đề gắn với mỗi sự kiện như: “Phụ nữ xưa và nay” gắn với ngày Quốc tế phụ nữ 8/3; “Điện Biên Phủ, 60 năm một bản hùng ca” nhân dịp kỷ niệm Giải phóng Miền Nam ¾ và ngày Quốc tế Lao động 1/5. Đặc biệt nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954-7/5/2014, Bảo tàng đã xây dựng các hoạt động nội dung trải nghiệm: “Đồng hành cùng chiến sỹ Điện Biên năm xưa” với các hoạt cảnh: Khoét núi, đào hầm, hóa trang chiến sỹ Điện Biên (mặc áo trấn thủ, đi dép cao su, mũ cối bọc lưới…); Dân công hỏa tuyến, quân y chiến dịch, cắm cờ trên nóc hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thông qua hình thức sân khấu hóa; Nhiều mô hình được dựng như: Trích đoạn nóc hầm của tướng Đờ Cát Tơ Ri, trích đoạn hầm đồi A1, A2, cầu vượt đèo, vượt sông gắn với các địa danh lịch sử: Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam… Phần kết là thi hát, đọc thơ, vui múa xòe, múa sạp mừng Ngày đại thắng.

Hiện nay, có nhiều đoàn du lịch đã đặt với Bảo tàng tổ chức các hoạt động trải nghiệm, các hoạt động trải nghiệm ẩm thực, giao lưu văn hóa văn nghệ dân tộc. Điều đó khẳng định: Bảo tàng Văn hóa Các dân tộc Việt Nam đang là điểm đến đáng ghi nhận của khách tham quan trong nước và quốc tế.

Hình ảnh một số hoạt động đã diễn ra tại Bảo tàng Văn hóa Các dân tộc Việt Nam:

 Khách tham quan triển lãm “Điện Biên Phủ 60 năm một bản hùng ca” tại Bảo Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
 
 Trường Khuyết tật Nguyễn Đình Chiểu – Hà Nội tham gia trải nghiệm “Đồng hành cùng chiến sỹ Điện Biên năm xưa” trong triển lãm “Điện Biên Phủ 60 năm một bản hùng ca”.