Phòng số 4 trưng bày và giới thiệu văn hoá của 21 tộc người nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ Me. Các tộc người này cư trú ở cả ba miền: Miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên và Nam Bộ. Miền Bắc có 5 tộc người sinh sống. Trong đó, có 4 tộc người: Khơ Mú, Mảng, Kháng, Xinh Mun, cư trú ở các tỉnh Tây Bắc. Tộc người Ơ Đu ở Nghệ An. Miền Trung – Tây Nguyên có 15 tộc người, gồm các dân tộc: Bru – Vân Kiều, Tà ôi, Cờ Tu, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Ho, H Rê, Gié Triêng, Xtiêng, Co, Chơ Ro, Rơ Măm, Brâu. |
Nam Bộ là địa bàn cư trú của tộc người Khơ Me. Các tộc người nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ Me là cư dân bản địa, có lịch sử lâu đời ở Việt nam và Đông Dương. Ngoài đặc điểm chung về ngôn ngữ, phần lớn các tộc người nhóm Môn – Khơ Me sinh sống dựa vào sản xuất nương rẫy kết hợp với ruộng nước. Họ sử dụng hình thức chọc lỗ tra hạt, cào cỏ để canh tác trên nương dốc, dùng gùi để vận chuyển, giỏi đan lát, họ ở nhà sàn và uống rượu cần trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Bên cạnh đó, mỗi tộc người còn có những đặc điểm văn hoá riêng, mang đậm bản sắc văn hoá tộc người. * Tổ hợp số 1: Làng bản nhà cửa nhóm Môn – Khơ Me: Các tộc người nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ Me cư trú khá tập trung ở Tây Bắc gọi là bản, vùng Trường Sơn Tây Nguyên gọi là Buôn, vùng Nam bộ gọi là Phum sóc. Dù là làng bản, Buôn hay Phum, Sóc đều được xây dựng ở những nơi cao ráo, xây cất theo lối mật tập, gần nguồn nước, có khu đất canh tác và có nghĩa địa riêng. Các tộc người nhóm Môn – Khơ Me làm nhà theo lối kiến trúc truyền thống, kiểu nhà sàn 3 gian 2 chái, 4 mái. Người Kháng, người Xinh Mun làm nhà như người Thái Đen, hai mái đầu hồi trang trí khau cút hình mai rùa. Bố trí mặt bằng trong nhà lại có sự khác nhau. Nhà người Xinh Mun bao giờ cũng có một gian tiếp khách và đặt bàn thờ ma nhà, các gian còn lại dành cho sinh hoạt gia đình. Nhà người Mảng bao giờ cũng có 2 cửa ở hai đầu hồi, một dành cho nam giới, một dành cho nữ giới. Trong nhà ngăn thành nhiều buồng cho các tiểu gia đình, theo thứ tự buồng khách, buồng chủ nhà và các con trai, con gái. Các tộc người vùng Trường Sơn Tây Nguyên cư trú theo Buôn, mỗi buôn có vài chục nóc nhà quần tụ quanh ngôi nhà Rông. Đồng bào cư trú trong những ngôi nhà dài, gồm nhiều thế hệ sinh sống, mỗi gian là một gia đình nhỏ. Nhà ở của người Khơ Me rất đơn giản, chủ yếu là nền đất, vật liệu làm bằng mây, tre, nứa, lá dừa hay thốt nốt. Bố trí trong nhà gồm gian giữa là nơi tiếp khách, hai bên là nơi ngủ của đàn ông, nửa phía sau là buồng nhỏ dành cho phụ nữ. Tất cả tâm nguyện của họ đều dành cho việc xây cất ngôi chùa khang trang ở giữa phum sóc. + Kiến trúc hồi nhà mái tròn của người Tà ôi: Đầu hồi ngôi nhà dài mái tròn của dân tộc Tà ôi trưng bày tại Bảo tàng được mô phỏng theo mẫu nhà sàn dài 100m của gia đình ông Võ Bắt ở thôn Tà Rụt, xã A Ngo, tỉnh Quảng Trị. Đây là ngôi nhà dài có tuổi thọ hàng trăm năm, được làm bằng gỗ kiền kiền, một loại cây lành và có độ bền cao. Nhà được xây cất theo kiểu mái tròn, trang trí “ Khau cút” hình sừng trâu, hình chim cu chéo nhau trên phần mái hồi tiếp giáp với đầu nóc. Mái lợp cỏ tranh, lá cọ, có độ dốc khá lớn. Nhà dài trung bình từ 10 đến 20 gian, mỗi gian tương ứng với một gia đình nhỏ. Toàn bộ ngôi nhà được đặt trên hệ thống cột chịu lực và ngăn cách với mặt đất bởi một hệ thống sàn cao khoảng 1,5m. Kiến trúc mỗi gian đơn giản, chỉ có hai cột chính, đỡ lấy một quá giang. Trên quá giang là hai tay chạy dài từ nóc gác lên đầu cột, phía dưới sàn có một xà ngang nối hai cột chính với nhau theo kỹ thuật ngoàm để tạo sàn. Toàn bộ hệ thống cột được chôn xuống đất. Mặt bằng sinh hoạt trong ngôi nhà gồm có: Gian giữa làm nơi thờ tự, tiếp khách, hội họp chung. Bên trong chia thành nhiều ngăn, mỗi ngăn là một gia đình. Phía trước có cửa chính thông ra một cầu thang đi xuống sân. chính giữa mỗi gian của mỗi hộ gia đình có một bếp lửa, mọi sinh hoạt, ăn, nghỉ… đều diễn ra xung quanh bếp lửa. Hiện nay kiến trúc nhà sàn dài mái tròn còn ít, gần đây đồng bào ở nhà đất hoặc nhà xây cấp bốn, mái lợp tôn. Các gia đình nhỏ cư trú trong những ngôi nhà dài đã tách ra cư trú trú độc lập theo hộ cá thể. * Tổ hợp số 2: Canh tác nông nghiệp nhóm Môn – Khơ Me: Hầu hết các tộc người nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ Me ở Tây Bắc và khu vực Trung Bộ – Tây Nguyên đều làm nương rẫy kết hợp với ruộng nước. Đối với nương có độ dốc cao, đến nay đồng bào ở nhiều nơi vẫn sử dụng phương thức canh tác truyền thống là phát đốt, chọc lỗ tra hạt. Quy trình canh tác nương rẫy của các tộc người trong nhóm cơ bản giống nhau, gồm các khâu: Phát, đốt, chọc, trỉa, chăm sóc và thu hoạch. Đồng bào đã biết sử dụng những công cụ lao động phù hợp với điều kiện môi trường. Đối với nương bằng đồng bào dùng cày bừa làm đất. Đối với các nương dốc đồng bào lại sử dụng gậy chọc lỗ để giữ độ màu cho đất. Mọi công đoạn canh tác đều có sự phân công lao động theo giới tính. Khi gieo hạt nam giới đi trước dùng gậy chọc lỗ, phụ nữ đi sau tra hạt giống và lấp đất. Nhiều nơi cư dân Khơ Mú còn gắn nhạc trên đầu gậy, mỗi khi chọc lỗ phát ra âm thanh như bản nhạc, giảm bớt sự vất vả trong lao động và khiến con người gần gũi với thiên nhiên. Gậy chọc lỗ là công cụ quan trọng nên dùng xong được rửa sạch sẽ và cất ở nơi trang trọng trong nhà. Khi dùng phải làm lễ cúng, để mong cho hạt được nẩy mầm nhanh, không bị sâu bệnh, chim chóc phá hoại Ngày nay, hình thức này vẫn được áp dụng ở một số nương có độ dốc cao cho phù hợp với thế đất canh tác và bảo vệ độ màu cho đất. Gắn liền với kinh tế nương rẫy, các tộc người vùng Trường Sơn – Tây Nguyên đã tạo ra nhiều công cụ sản xuất phù hợp với chu trình canh tác như: Chà gạc, dao phát, cào cỏ, cuốc, rìu. Trong đó, phải kể đến chiếc chà gạc phát nương, một loại dao đa năng, có thể chặt, phát rẫy, có khi trở thành vũ khí đi săn, hay phương tiện để tự vệ ..Vì vậy, với những tộc người Tây Nguyên như Giẻ Triêng, Xtiêng trước đây khi chàng trai đi hỏi vợ nhất thiết phải có một cây chà gạc, rìu và dao vót nan, để chứng tỏ mình chịu khó làm ăn, lúc đó người con gái mới thương. Vùng Nam Bộ, người Khơ Me cư trú xen kẽ với người Kinh, Hoa, Chăm. Đồng bào chủ yếu canh tác ruộng nước. Họ có nhiều kinh nghiệm trong việc thâm canh cây lúa nước. Từ lâu, đồng bào đã biết chọn giống lúa, biết làm thuỷ lợi và lợi dụng thuỷ triều để thau chua, xổ phèn cải tạo đất. Trong canh tác, đồng bào đã kết hợp cả hai khâu: xạ lúa, tỉa và gieo mạ, cấy. Trong sản xuất, từ lâu đồng bào đã dùng cày, bừa, để làm đất. Đối với những ruộng sâu hay vùng gập nước đồng bào đã tạo ra chiếc phảng, tay ngắn, lưỡi dài để phát cỏ, sau đó dìm xuống bùn và cấy luôn, không qua khâu cày bừa. Chiếc hái được người Khơ Me sử dụng rất phổ biến trong việc gặt lúa. Mô típ trang trí đầu rồng phản ánh tín ngưỡng nông nghiệp và tục thờ rắn của cư dân khai phá vùng đồng bằng châu thổ Nam Bộ. Bên cạnh việc trồng lúa nước, người Khơ Me còn trồng hoa màu trên rẫy và cây ăn quả trên những miệt vườn. Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp, người Khơ Me đã sử dụng một số máy móc hiện đại thay thế những công cụ thô sơ, nhưng nhiều gia đình chưa có điều kiện mua máy cày, nên chiếc phảng, nọc cấy, hái đầu rồng vẫn là công cụ hữu hiệu trong canh tác lúa nước của người Khơ Me ở Nam bộ. * Tổ hợp số 3: Săn bắt và thuần dưỡng voi của tộc người Mnông: Cư dân Tây Nguyên nói chung, tộc người Mnông ở bản Đôn, tỉnh Đắk Lắk nói riêng có nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rất nổi tiếng. Hàng năm, cứ vào tháng ba âm lịch, các thành viên trong buôn làng lại tổ chức đi săn voi. Săn voi thể hiện tinh thần thượng võ, biểu dương lực lượng của buôn làng và xua đuổi voi rừng đi xa khu vực sản xuất, không phá hoại mùa màng. Nghề thuần dưỡng voi của người Mnông xuất phát từ kết quả của những cuộc săn bắt. Voi rừng sau khi săn được, các thành viên trong buôn thuần dưỡng để trở thành voi nhà. Với kinh nghiệm và sự sáng tạo của đồng bào, họ đã thuần dưỡng được những chú voi rừng hung dữ để trở thành những chú voi nhà ngoan ngoãn, phục tùng sự chỉ huy của con người như tham gia vào việc vận chuyển, kéo gỗ, săn bắt các con voi khác và thi đua voi trong lễ hội. Hàng năm, đồng bào Tây Nguyên còn tổ chức cúng sức khoẻ cho voi long trọng như cúng sức khoẻ cho người. Ngày nay, ngành du lịch phát triển, voi còn được sử dụng để dưa đón khách tham quan buôn làng, nhiều lễ hội đua voi được tổ chức mang quy mô lớn trong cả nước. * Tổ hợp số 4: Nhà rông và lễ hội + Nhà Rông Tây Nguyên: Nhà Rông là một loại hình kiến trúc dân gian lâu đời của nhiều tộc người ở Tây Nguyên, là sản phẩm văn hoá độc đáo, mang sắc thái đặc thù lãnh thổ rõ rệt, và là biểu tượng của các buôn làng Tây Nguyên. Bảo tàng thể hiện trích đoạn mặt trước nhà rông truyền thống của đồng bào Ba Na. Nhà Rông có 5 gian, cao từ 20m, tượng trưng cho sức mạnh, sự phồn vinh của buôn làng, nên được nhân dân xây dựng rất cẩn thận, chắc chắn bằng các loại gỗ quý. Kiến trúc xây dựng theo lối nhà sàn có vách che, nóc cao, mái dốc, lòng nhà rộng. Trang trí kiến trúc trên ngôi nhà Rông khá phong phú. Trên vách thưng đan hoa văn bằng tre nứa hình mặt trời, tia sáng, hình kỷ hà, động thực vật… + Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Ba Na Lễ mừng lúa mới của người Ba Na thường tổ chức mỗi năm một lần, tương ứng với chu kỳ vụ rẫy. Nghĩa là cây lúa được trỉa vaò tháng tư, tháng 10, thu hoạch cũng là lúc bà con tổ chức lễ hội mừng lúa mới “lễ soc mor”. Trước kia lễ hội tổ chức kéo dài ba ngày. Hiện nay, lễ hội thu gọn một ngày. Ngày hội đến, dân làng dựng một cây nêu, cột Gưng để buộc trâu và một cột rượu dưới sân nhà Rông. Lễ vật cúng gồm có: Một con trâu đực khoẻ mạnh, một con heo, một con gà, một vài ché rượu và một bát tiết để làm lễ cúng Yàng. Mỗi gia đình còn chuẩn bị mâm lễ riêng gồm có một con gà, một khay cốm đặt bên cạnh ghè rượu để dâng lên thần linh. Tất cả lễ vật của các gia đình được bày dọc theo 2 hành lang của nhà Rông. Chuẩn bị xong, mỗi gia đình cử một đại diện ngồi vào mâm lễ của mình. Già làng bắt đầu khấn mời thần sông, thần núi, thần rừng, thần lúa và linh hồn của những người đã khuất về thụ lễ và cầu xin thần linh ban cho những bông lúa trĩu hạt, buôn làng no đủ và mọi người khoẻ mạnh. Kết thúc các bài cúng, những hạt gạo được tung lên không gian để trời đất giao hoà, để thần linh chứng giám và đồng bào yên tâm chờ đợi một năm mới tốt lành, một mùa vụ mới bội thu. Ngày nay, lúa nước đã thay thế dần cho lúa nương, mỗi năm thu hoạch từ 2 đến 3 vụ. Song lễ hội cầu mùa ở đồng bào Ba Na vẫn tiếp tục lưu giữ sau một số mùa lúa bội thu. * Tổ hợp số 5: Nghề thủ công đan lát và vận chuyển Các dân tộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ Me rất giỏi nghề đan lát đồ gia dụng bằng các vật liệu có sẵn ở địa phương như: Song, mây, lồ ô, lá dừa, tre, nứa và các loại dây rừng. Sản phẩm đan lát bền đẹp, phong phú, đa đạng về kiểu dáng, tinh tế trong cách đan cải hoa văn và có nhiều công dụng khác nhau. Có loại giống như chiếc bồ lớn có nắp để đựng nông sản, có loại dùng để vận chuyển như gùi, sọt thồ hàng. Có loại đồ đựng nhỏ, xinh xắn như: Giỏ đựng cơm, giỏ đựng kim chỉ, hộp đựng trầu cau. Đặc biệt là chiếc gùi nam của người Giẻ Triêng, Ba Na, Xơ Đăng, Ti Lét của người Tà ôi, rất thích hợp cho việc đi săn. Do vậy loại gùi này có cửa miệng quay vào phía lưng người đeo hay gùi có ba ngăn để đồ vật không bị rơi ra trong khi chạy. Các tộc người nhóm Môn – Khơ Me ở khu vực Tây Bắc, Trường Sơn – Tây Nguyên chủ yếu dùng gùi làm phương tiện vận chuyển, một số tộc người Tây Bắc còn sử dụng dậu để gánh. Vùng sông nước Nam Bộ, đồng bào Khơ Mer vận chuyển bằng thuyền và xe bò. * Tổ hợp số 6: Tập tục ăn, uống, hút thuốc nhóm Môn – Khơ Me: Cư dân Môn – Khơ Me chủ yếu ăn cơm tẻ. Bữa sáng và bữa tối được coi là hai bữa chính, bữa trưa là bữa phụ. Ngoài gạo tẻ, đồng bào còn ăn cơm nếp, ngô, khoai, sắn. Trong dịp lễ, tết, hội hè gạo nếp, gạo tẻ được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Thức ăn hàng ngày có rau, cá, cùng một số sản phẩm hái lượm từ tự nhiên như rau, sắn, muối chua… Đồng bào rất ưa chuộng các món ăn tái, nướng, xào chua, luộc như ếch nướng trong ống lồ ô, các món thịt xào rau chua, măng chua. Đặc biệt là món phèo lòng non để nguyên dịch và trộn thịt được coi là món đặc sản chỉ dùng khi có khách quý và trong dịp lễ hội. Dụng cụ chế biến thức ăn gồm có: Nồi hông, chõ. Bữa ăn chủ yếu sử dụng các loại mâm gỗ, mâm tre, các loại rá, hộp đựng cơm, bầu đựng nước uống, được làm từ nguyên liệu tự nhiên: mây, tre, lồ ô hay vỏ quả bầu khô. Rượu cần là đồ uống phổ biến của cư dân Tây Nguyên. Chế biến và uống rượu cần đã trở thành phong tục, nét văn hoá trong đời sống của đồng bào. Gia đình nào cũng có một vài ché để ủ rượu. Nhiều gia đình có hàng dãy ché đặt chạy dài theo vách nhà. Đồng bào uống rượu cần vào các dịp lễ hội: Lễ rước hồn lúa, lễ mừng cơm mới, lễ chúc sức khoẻ, lễ cầu mùa, lễ cưới, lễ bỏ mả, đón khách quý, anh em, bạn bè lâu ngày gặp mặt… Để có ché rượu cần ngon, men phải được làm từ một số loại lá, rễ cây rừng với bột ớt, bột gừng, bột gạo chộn với nước và nắm thành từng bánh nhỏ, ủ đến khi lên mốc trắng (Khoảng 10 – 15 ngày) là có thể làm rượu được. Nguyên liệu tốt nhất để làm rượu cần là gạo và kê. Để làm rượu, trước tiên phải nấu chín nguyên liệu, đánh tơi và để nguội. Nếu trời lạnh, chỉ cần hơi nguội là có thể rắc men là được. Khi đưa vào choé phải theo nguyên tắc xếp lớp, cứ một lớp nguyên liệu lại một lớp trấu. Sau cùng, người ta bịt kín miệng choé bằng lá chuối, ủ đến ngày thứ ba là có thể uống được. Rượu ủ càng lâu, càng ngon và có nồng độ cao. Để rượu ngon hơn nữa, đồng bào còn chôn choé sâu xuống dưới đất, khi uống mới đào lên. Cần để uống rượu được làm bằng cành cây trúc, là loại cây thẳng có đốt dài, được đục rỗng lõi, một đầu vót nhọn để uống ống không bị tắc. Cần được cắm sâu xuống đáy choé, choé cao thì sử dụng loại cần dài. Thuốc lá là thức hút phổ biến của đồng bào nhóm Môn – Khơ Me, từ nam giới đến phụ nữ, thiếu nữ đều hút thuốc. Thuốc được quấn cả lá theo kiểu sâu kén để hút hoặc đồng bào thái thuốc nhỏ bỏ vào tẩu để hút. * Tổ hợp số 7: Chùa dân tộc Khơ Me Chùa Khơ Me được xây dựng ở giữa mỗi phum, sóc là trung tâm sinh hoạt văn hoá cộng đồng, là biểu tượng văn hoá Khơ Me. Chùa còn là một trường học dạy chữ, dạy giáo lý cho con em nam giới Khơ me khi đến tuổi trưởng thành. Nam nữ Khơ Me kết hôn phải vào chùa làm lễ, để được hạnh phúc. Khi chết đi, xác được hoả thiêu, hài cốt đem gửi vào các tháp cốt trong chùa với mong muốn, ông bà cha mẹ của họ sẽ được Phật chở che không bị hãm hại. Với quan niệm đó, dù khó khăn bao nhiêu người dân trong phum sóc cũng phải chắt chiu để đóng góp xây dựng ngôi chùa to đẹp và lộng lẫy. Ngôi chùa còn là nơi thiêng liêng để cử hành các lễ hội của đồng bào Khơ Me như: Tết cổ truyền Chôn-Chơ-năm-thơ-mây diễn ra vào giữa tháng 4 âm lịch; Lễ cúng trăng – lễ Oóc Om Bóc diễn ra vào tháng 10 âm lịch là để cầu mong mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt. Trong lễ hội có tổ chức thả đèn trời, đua ghe ngo. Lễ hội là không gian bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật dân tộc như: Nghệ thuật biểu diễn truyền thống Dù kê, Rô băm, các điệu múa Sarawan, Rom wong… được các nghệ nhân chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư đua tài biểu diễn làm phước cho mọi người. Trong khuôn viên chùa Khơ Me có nhiều ngôi nhà, nhưng nổi bật nhất là ngôi chính điện. Đây là trung tâm thờ cúng đức phật, người Khơ me theo phật giáo tiểu thừa. Vì vậy, trong chính điện thờ chỉ có các tượng phật thích ca ở trong những tư thế khác nhau như: Tu hành, đắc đao, cứu vớt chúng sinh. * Tổ hợp số 8: Nhạc cụ nhóm Môn Khơ Me Các tộc người nhóm Môn – Khơ Me đã sáng tạo ra nhiều nhạc cụ phong phú, không chỉ sử dụng trong những dịp lễ hội mà trong cả sinh hoạt đời thường. Điển hình là cồng chiêng, trống, sáo đinh năm, kèn sừng trâu, đàn T’rưng… Đặc biệt, vùng đất Tây Nguyên nổi tiếng với nhạc cụ cồng chiêng được hoà tấu trong các nghi lễ và vũ điệu cộng đồng. Ngày 25 tháng 11 năm 2005 tổ chức Unesco đã công nhận Cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Nhạc cụ của người Khơ Me rất đa dạng, tiêu biểu là dàn nhạc ngũ âm chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần. Bộ nhạc cụ gồm có 5 âm thanh: Dàn nhạc ngũ âm thường được đồng bào Khơ Me sử dụng trong các dịp múa hát dân ca, các dịp lễ tết. * Tổ hợp số 9: Chữ viết trên lá buông của người Khơ me Dân tộc Khơ Me có tiếng nói và chữ riêng và được hình thành từ rất sớm. Khi chưa có giấy viết người Khơ Me đã biết ghi chép kinh phật và chuyện trên lá buông. Sách lá buông còn gọi là bộ sách Sa Tra dùng để ghi chép các câu chuyện kể dân gian, tục ngữ, thành ngữ, câu đố. Vì vậy, sách lá buông rất quan trọng trong việc giáo dục đạo đức và bảo tồn tiếng nói và chữ viết dân tộc Khơ Me. * Tổ hợp số 10: Tập tục trong hôn nhân của các tộc người Môn – Khơ Me Hôn nhân của các tộc người trong nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ Me dựa trên nguyên tắc hôn nhân 1 vợ, 1 chồng. Trước đây, hôn nhân theo kiểu gả bán, mai mối, ngày nay trai gái tự do tìm hiểu và đi đến hôn lễ, nhưng phải tôn trọng luật tục. Tuy nhiên, từng dân tộc hôn nhân gia đình cũng có những đặc điểm khác nhau. * Đám cưới dân tộc Khơ Me: Người Khơ Me thường tổ chức đám cưới vào trước tết nguyên đán. Thời gian này, thời tiết khô ráo, mùa màng thu hoạch xong. Trước đây xã hội Khơ Me theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ là người nắm giữ tất cả mọi quyền lợi trong gia đình, con sinh ra lấy theo họ mẹ. Trong đám cưới, phụ nữ phải đi cưới hỏi nam giới. Khi xã hội chuyển sang giai đoạn phụ hệ thì hôn lễ cũng có biến đổi. Sự biến đổi này được ghi dấu thông qua sự tích Ao Bà Om. Từ đó đến nay theo giao ước, phái nam phải đi cưới vợ về. Hôn lễ cổ truyền của người Khơ Me gồm 4 bước: Bước 1: Lễ nói, nhiều vùng còn gọi là lễ ăn trầu. Lễ này gần như lễ dạm ngõ của người Kinh. Sau khi đôi bên tìm hiểu, ướm lời, nhà trai tìm người làm mai mang theo các lễ vật: Bánh, trái cây, trầu cau… mỗi thứ đều là số chẵn đến nhà gái đặt vấn đề hôn nhân. Bước 2: Lễ hỏi, nhà trai cùng ông mai đem lễ vật sang nhà gái gồm: Chuối, rượu, trà, trầu, đùi heo, gà, vịt và một số tiền, mỗi thứ đều phải đi theo cặp số chẵn. Trong lễ này họ cùng nhau thống nhất ngày cưới và thông báo cho người thân, hàng xóm biết hai bên đã chính thức là thông gia. Bước 3: Lễ xin cưới. Trong lễ này, ngoài các lễ vật như lễ hỏi, nhà trai còn phải mang cho cô dâu đôi bông tai và nhẫn vàng. Bước 4: Lễ cưới, diễn ra trong ba ngày. Ngày đầu tiên gọi là ngày nhập gia. Nhà trai làm lễ đưa chú rể sang nhà gái, đoàn đi mang theo lễ vật gồm trầu cau, rượu, thịt, và một mâm buồng bông cau. Nhiều đám cưới còn mời thêm dàn nhạc cổ truyền dân tộc đi kèm. Ngày thứ hai cử hành lễ cưới phải chọn giờ tốt. Trước tiên là cúng ông bà, tổ tiên và ăn trầu đính ước. Buổi chiều làm lễ cắt tóc cho cô dâu, chú rể. Rồi đưa họ đến miếu để cúng, xin thần công nhận cho họ là thành viên mới của phum sóc. Đến tối gia đình mời sư sãi, dâng cơm cho sư cúng, tụng kinh chúc phúc, dâng bánh trái cho cha mẹ cô dâu để nhớ công ơn dưỡng dục và mở tiệc đãi khách hai họ. Ngày thứ ba, thực hiện phong tục lạy ông bà, họ hàng. Đến giờ tốt cô dâu và chú rể, thắp đèn làm lễ. Thày cúng và ông mai làm lễ rắc hoa cau lên đôi trẻ. Tiếp đến là múa mở nắp mâm trầu và làm lễ buộc chỉ cổ tay cho cô dâu, chú rể, có kèm theo tặng phẩm tiền hoặc vàng cùng lời chúc mừng lứa đôi hạnh phúc. Ngoài những nghi thức được quy định, lễ cưới Khơ Me còn là hình thức diễn xướng tổng hợp, trong đó ca hát đóng vai trò quan trọng với những bài ca điệu múa phỏng theo chuyện cổ tích, nhằm chúc phúc lành cho đôi vợ chồng mới. Ngày nay, đám cưới dân tộc Khơ Me có phần đơn giản hơn, nhưng đồng bào Khơ Me vẫn giữ tục lệ mời sư sãi đến tụng kinh chúc phúc cho cô dâu, chú rể và hai bên gia đình. Đây là một truyền thống tốt đẹp của người Khơ Me theo đạo phật tiểu thừa. * Tổ hợp số 11: Nghề dệt vải và trang phục các tộc người trong nhóm Môn – Khơ Me Phụ nữ các dân tộc nhóm Môn – Khơ Me biết dệt vải từ sợi bông, để phục vụ nhu cầu vải mặc của cả gia đình và còn là một mặt hàng có giá trị tăng thêm thu nhập cho mỗi gia đình. Khung dệt truyền thống của các dân tộc nhóm Môn – Khơ Me ở vùng Miền Trung – Tây Nguyên là khung dệt tấm phẳng. Khi dệt, người thợ ngồi bệt xuống sàn, mắc dây căng khung vòng qua lưng, cố định cho chặt, dùng mũi nhọn của thanh dập sợi lách vào hai lớp nhỏ của mặt sợi trên, dựng nghiêng để luồn con suốt cài sợi ngang qua lại. Mỗi lượt luồn ngang phải đảo go và thanh đảo sợi theo kiểu nâng lên hạ xuống rồi lật thanh dập sợi, dập mạnh về phía bụng để các sợi ngang khít nhau. Trước đây trong mỗi gia đình đều có từ một đến vài khung dệt vải, số lượng khung nhiều hay ít là tuỳ thuộc vào số lượng nữ giới trong gia đình. Sản phẩm dệt của đồng bào không rực rỡ như sản phẩm dệt của một số tộc người ở vùng miền núi phía Bắc, nhưng sản phẩm làm ra hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển cũng như đời sống sinh hoạt của đồng bào. * Trang phục các tộc người nhóm Môn – Khơ Me: Trang phục các tộc người nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ Me nhìn chung vẫn bảo lưu các yếu tố văn hoá truyền thống. Tuy nhiên mỗi tộc người, mỗi vùng cư trú, trang phục tộc người lại có cách tạo dáng và trang trí riêng. + Ở các tỉnh phía Bắc: Trang phục 5 tộc người Khơ Mú, Mảng, Kháng, Xinh Mun, Ơ Đu có sự giao thoa mạnh mẽ với văn hoá Thái. Trang phục phụ nữ Mảng độc đáo bởi cách trang trí búi tóc trên đỉnh đầu và chiếc tạp dề trắng thêu hoa văn quấn ngang ngực dài tới bắp chân. Trang phục phụ nữ Kháng, Xinh Mun đã tạo ra nét đặc biệt bởi số lượng cúc chẵn so với người Thái và hàng chỉ màu hai bên hò áo. + Trang phục 15 tộc người ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên giống nhau trong cách cắt may, tạo dáng và các dải hoa văn ngang trang trí trên áo,váy và hai đầu khố. Trang phục có sự khác biệt giữa nam và nữ. Đàn ông đóng khố, cởi trần, mùa lạnh khoác thêm tấm choàng. Phụ nữ mặc áo và váy. Một số nhóm dân tộc, mùa hè chị em mặc váy, mùa lạnh mới khoác thêm tấm choàng. Áo nữ cổ truyền là áo chui đầu, không có ve cổ, viền gấu bằng chỉ mầu. Có nơi chị em mặc áo dài tay, cổ chui, không có lá cổ. Cổ áo và váy thường là những hoa văn đỏ, vàng, trắng, xanh. Tuy nhiên, mỗi tộc người lại có cách trang trí khác nhau như: Phụ nữ Tà ôi, Cơ Tu dệt trang trí hạt cườm, còn các tộc người Mạ, Cơ Ho và Chơ Ro… dệt trang trí hoa văn hình học, hình động vật, hình người bằng các màu trên nền vải trắng. + Vùng Nam Bộ người Khơ Me lại có những đặc điểm riêng. Thường phục của phụ nữ Khơ Me giống người Kinh ở địa phương, kiểu y phục áo bà ba với chiếc khăn rằn vắt vai, đội đầu hay quàng cổ. Những dịp lễ tết, phụ nữ mặc áo dài quá gối, thân rộng, xẻ ngực, tay áo chật, hai bên sườn ghép thêm bốn miếng vải theo chiều dọc từ nách đến gấu áo. Ngày cưới, chú rể mặc Xà Rông, áo cổ đứng màu đỏ, cài khuy trước ngực, cô dâu mặc áo dài màu đỏ thắm, quàng khăn trắng, đội mũ cổ truyền. |