Không gian văn hoá vùng đồng bằng Nam Bộ thể hiện trên diện tích 4.000 m2, giới thiệu mô hình và cảnh quan ngoại thất ngôi chính điện chùa Phướng tại tỉnh Trà Vinh gồm: Kiến trúc cảnh quan xung quanh ngôi chùa, tháp đựng cốt của người Khơ Me ở chùa Diệp Thạch, tỉnh Trà Vinh, kiến trúc tháp đựng cốt, cổng chùa Chăm Ka ở tỉnh Trà Vinh; Không gian văn hoá Nam bộ dưới dạng miệt vườn với nhiều cây trái đặc trưng của vùng như: Nhãn, xoài, vú sữa, bưởi, …., Bên cạnh đó là hệ thống kênh rạch với chiếc cầu khỉ ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. |
1. Chùa Khmer Chùa Khơ Me ở Nam Bộ là công trình kiến trúc có giá trị, là không gian thiêng liêng tập hợp các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa nghệ thuật. Ngoài chức năng thỏa mãn những nhu cầu tâm linh, nó còn đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ cho nhân dân. Vì vậy, việc đóng góp để xây dựng chùa được coi như một khoán ước đảm bảo hạnh phúc cho cuộc sống hiện tại và vĩnh hằng của mỗi kiếp người trên chốn trần gian, dù ngôi nhà sinh sống hàng ngày của người dân còn đơn sơ, nhưng đồng bào Khơ Me không tiếc công sức, vật liệu quý để xây dựng nên những ngôi chùa nguy nga đồ sộ giữa trung tâm của phum, sóc. Những ngôi chùa cổ kính của người Khơme có niên đại khoảng 400 đến 600 năm như: chùa Âng, chùa Samrôngêk, chùa Phướng ở Trà Vinh, chùa Kl’eang ở Sóc Trăng… Có thể nói, chùa là một trường học của người Khơ Me. Ngôi chùa còn là nơi thiêng liêng để cử hành các lễ hội của cộng đồng như: Lễ Chôl – chhnăm – thmây, lễ Đôn ta, lễ Ok-Om bok,… Ngày lễ hội đồng thời là không gian bảo tồn phát huy các giá trị nghệ thuật dân tộc như: Nghệ thuật biểu diễn truyền thống Dù kê, Rô băm, các điệu múa Sarawan, Rom wong… Chùa được phục chế nguyên mẫu theo ngôi chính điện chùa Phướng, Khóm 1, phường 7 thị xã Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. 2. Cổng chùa Chăm Ka Chùa Khơme là một tổng thể kiến trúc nghệ thuật tinh xảo và đẹp mắt, những phù điêu, họa tiết, những bức tượng được làm rất công phu. Cổng chùa được trang trí nhiều hoa văn, họa tiết, màu sắc rực rỡ. Cổng chùa nằm về hướng Đông. Trên cổng còn có ba ngôi tháp nhỏ. Quanh chùa có đến ba vòng rào, tất cả đều bằng xi-măng và rực rỡ màu sắc. Vòng rào ngoài lớn rồi nhỏ dần vào trong, khoảng cách giữa các vòng rào rất rộng. Khuôn viên chùa trồng nhiều cây thốt lốt . Cổng chùa được xây dựng nguyên mẫu theo Cổng chùa Chăm Ka, dân tộc Khơ Me ở ấp Tân Ngãi, xã Lương Hoà, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh 3. Tháp để cốt Trong khu vực chung quanh chùa Khmer, thường có những loại tháp lớn nhỏ đủ kiểu và loại khác nhau. Đây là những tháp để cốt. Những loại tháp này thường được cấu trúc ba phần: chân tháp khá rộng, hình vuông, có một lỗ nhỏ để cốt của người quá cố vào; thân tháp có nhiều tầng, nhỏ từ dưới lên trên; đầu tháp là những mũi nhọn, trên đỉnh thường để đầu thần có bốn mặt gọi là “Maha Prum”. Phía trên đầu tượng là cột sắt nhỏ, nhọn. Trong vườn chùa ngoài những ngôi tháp để cốt các vị Sãi cả, những người đã từng có công xây dựng, trùng tu kiến thiết chùa, còn có những ngôi tháp để cốt của người dân trong Phum, Srok. Tháp đựng cốt ở chùa Điệp Thạch, tỉnh Trà Vinh, tỷ lệ ………….. 4. Miệt vườn Nam Bộ Những miệt vườn ngút ngàn cây trái, những dòng sông, con rạch lắm tôm nhiều cá, đã trở thành phần hồn của vùng đất Nam Bộ. Ở nơi là quê hương của “văn minh” sông rạch này, đâu cũng thấy màu xanh của cây trái, thuyền ghe xuôi ngược. Với một môi trường thiên nhiên tuyệt đẹp, gió mát trong lành nằm giữa vùng đất trũng có nhiều loại cây: tràm, gáo, đưng, sậy, trâm bầu, sen, súng… Cảnh quan hấp dẫn, không khí mát mẻ, trong lành của thiên nhiên đồng ruộng cùng với những chiếc cầu dừa tạo nên không gian cảnh quan chung của miệt vườn Nam Bộ. Miệt vườn được xây dựng theo mô hình của gia đình ông Nguyễn Tấn Muông và bà Nguyễn Thị Bẩy ở ấp Trường Thọ, xã An Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. |