Ngày 2.11, UBND TP. Phổ Yên tổ chức lễ khánh thành công trình tu bổ và tôn tạo Di tích đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục), nằm trong quần thể Di tích lịch sử Lý Nam Đế gồm đền Mục, chùa Hương Ấp và chùa Mãn Tăng tại phường Tiên Phong.
Đền Mục được dựng để tưởng nhớ Lý Nam Đế – vị hoàng đế đầu tiên của dân tộc, người đã khai sinh ra nước Vạn Xuân vào tháng 2 năm 544 khi lên ngôi với danh hiệu Nam Việt Đế. Mỗi năm, người dân tổ chức lễ hội chính vào ngày 12 tháng Giêng Âm lịch để tưởng nhớ công đức của Lý Nam Đế.
Năm 2014, đền Mục cùng chùa Hương Ấp được Bộ VHTTDL xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia, và chùa Mãn Tăng được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2016.
Trước sự ảnh hưởng của thời gian, nhiều công trình trong quần thể di tích này đã bị hư hại. Do đó, vào năm 2016, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt Dự án đầu tư để tu bổ và tôn tạo Di tích đền thờ Lý Nam Đế. Dự án có diện tích quy hoạch 7.500m², với tổng mức đầu tư 76 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình, nhấn mạnh tầm quan trọng của công trình trong việc giáo dục lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho các thế hệ, đồng thời thể hiện niềm tự hào của người dân Phổ Yên và Thái Nguyên.
Ông cũng đề nghị các cấp, ngành tiếp tục quản lý và phát huy giá trị của di tích, đồng thời kết nối các di tích lịch sử – văn hóa trong tỉnh. Đặc biệt, TP. Phổ Yên sẽ chủ trì xây dựng giao ước với huyện Hoài Đức (Hà Nội) và huyện Tam Nông (Phú Thọ) nhằm duy trì các hoạt động thờ cúng và tổ chức lễ hội hằng năm, tạo sự kết nối về nơi sinh, nơi xưng đế và nơi mất của Lý Nam Đế.
Theo tài liệu khoa học về các di tích tại tỉnh Thái Nguyên, Lý Nam Đế, vị hoàng đế khai sinh nhà nước Vạn Xuân, sinh năm Quý Mùi (503) tại thôn Cổ Pháp, châu Giã Năng, nay thuộc phường Tiên Phong, TP. Phổ Yên. Đền Mục – nơi thờ Lý Nam Đế – được người dân xây dựng để tưởng nhớ công lao của ông trong cuộc khởi nghĩa Lý Bí, một mốc son lịch sử quan trọng trong hành trình xây dựng và bảo vệ đất nước từ thế kỷ VI.
Lý Nam Đế là vị vua đầu tiên xưng danh hoàng đế và với tầm nhìn chiến lược của mình, ông đã chọn vùng Tô Lịch (Hà Nội ngày nay) làm trung tâm. Phổ Yên, quê hương của ông, đóng vai trò như một “hậu phương vững chắc,” cung cấp nguồn lương thực và lực lượng cho nghĩa quân chống giặc Lương. Quần thể Di tích lịch sử Lý Nam Đế bao gồm đền Mục, chùa Hương Ấp và chùa Mãn Tăng, cùng nhiều địa danh gắn liền với cuộc chiến của ông như Cổ Pháp, cánh đồng Tráng, bãi Quần Ngựa, đồi Cao Vương, Trung Năng, Giã Năng, và Giã Thù.
Dự án tu bổ không chỉ giúp bảo vệ di tích mà còn nâng cao giá trị văn hóa, tâm linh cho khu vực, tạo điểm nhấn trong quần thể du lịch của TP. Phổ Yên và tỉnh Thái Nguyên. Với vị trí cách TP. Phổ Yên 6 km, TP. Thái Nguyên 20 km và Thủ đô Hà Nội khoảng 50 km, cùng hệ thống giao thông kết nối thuận tiện, khu di tích sẽ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân và du khách. Ngoài ra, khu vực còn là điểm trung chuyển lý tưởng trên hành trình tham quan từ TP. Phổ Yên đến hồ Đại Lải, Khu du lịch Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và Khu du lịch Hồ Núi Cốc (TP. Thái Nguyên), mở ra tiềm năng lớn trong phát triển du lịch và góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội trong vùng.
Một số hình ảnh tại buổi lễ:
Nguồn: Đặng Xá – https://baovanhoa.vn/