Bế mạc Chương trình Xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy Nghệ thuật Chiêng Mường, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình năm 2024

Chiều ngày 12/12/2024, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam phối hợp với UBND huyện Tân Lạc, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tân Lạc; UBND thị trấn Mãn Đức tổ chức Bế mạc Chương trình Xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy Nghệ thuật Chiêng Mường, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, năm 2024.

Đến dự với chương trình có Ông Lưu Huy Linh Phó giám đốc sở VHTTDL tỉnh Hoà Bình; Ông Bùi Văn Thiệm Phó chủ tịch UBND thị trấn Mãn Đức, Tân Lạc, Hoà Bình; Ông Đỗ Minh Đức – Trưởng phòng Nghiên cứu Sưu tầm, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam – Thành viên  Ban tổ chức; Ông Phạm Đức Minh hiệu phó trường THPT Tân Lạc; Bà Nguyễn Thị Sen hiệu phó trường TH và THCS Mãn Đức; cùng 50 nghệ nhân và các  học viên của lớp trao truyền trên địa bàn khu Mường Phoi, thị trấn Mãn Đức.

Từ ngày 03/12 đến ngày 12/12/2024, lớp trao truyền gồm có 05 nghệ nhân, am hiểu nghệ thuật chiêng Mường thực hiện công việc truyền dạy và 45 học viên tham gia lớp trao truyền, trong đó có 17 học viên nam, 23 học viên nữ là người dân trên địa bàn khu Mường Phoi, thị trấn Mãn Đức, các em học sinh trường THCS Mãn Đức và PTTH Tân Lạc. Trong đó, học viên cao tuổi nhất hiện trên 60 tuổi và học viên nhỏ tuổi nhất là 12 tuổi.

Các học viên đã được các nghệ nhân, người am hiểu nghệ thuật chiêng Mường truyền dạy, hướng dẫn thực hành một số bài đánh chiêng, cách thức diễn tấu nghệ thuật chiêng, nhịp chiêng, tên gọi và ý nghĩa của từng loại chiêng.

Mặc dù các học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau, môi trường khác nhau, cách tiếp cận khác nhau nhưng tất cả đều có chung sự quan tâm và niềm đam mê với nghệ thuật chiêng Mường. Sau một thời gian không phải là dài nhưng với sự nhiệt tình, tâm huyết của các nghệ nhân, nhiều học viên đã không chỉ tiếp cận và học được tên gọi, cách phân biệt, ý nghĩa của từng loại chiêng, mà các em học sinh được các nghệ nhân truyền thụ cho cách đánh các bài chiêng, cách trình diễn nghệ thuật chiêng, hầu hết các học viên đều đã thuộc và có thể biểu diễn với niềm tự hào về di sản văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Góp phần giữ gìn và duy trì thực hành di sản trong đời sống văn hóa của đồng bào và đồng thời lan tỏa các giá trị này trong cộng đồng. Chương trình đã đạt được những kết quả nhất định và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường đoàn kết, qua đó giúp cho các học viên hiểu rõ về vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân tâm huyết sẽ lan tỏa tình yêu văn hóa và sẵn sàng truyền dạy “tiếp lửa” cho thế hệ trẻ, giúp họ duy trì và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ đó hướng tới mục tiêu đưa giá trị văn hóa truyền thống đến cuộc sống đương đại.

Chương trình Xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy Nghệ thuật Chiêng Mường, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình là một trong 4 chương trình về nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể được Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam liên kết thực hiện tại tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Hoà Bình trong năm 2024.

Một số hình ảnh tại Lễ bế mạc:
Trình diễn nghiệm thu lớp học truyền dạy Chiêng Mường do các bạn học sinh trường THCS Mãn Đức và PTTH Tân Lạc biểu diễn.
Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó giám đốc sở VHTTDL tỉnh Hoà Bình phát biểu tại Lễ bế mạc.

Đ/c Đỗ Minh Đức – Trưởng phòng Nghiên cứu Sưu tầm, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam – Thành viên  Ban tổ chức tặng bộ Chiêng giai điệu cho CLB giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường khu Mường Phoi, thị trấn Mãn Đức.

Đại biểu và học viên Chương trình Xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy Nghệ thuật Chiêng Mường chụp ảnh kỉ niệm.

Bảo tàng VHCDT Việt Nam