Lễ hội Katê dân tộc Chăm

Katê là lễ hội dân gian truyền thống đặc sắc nhất, có ý nghĩa quan trọng về tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo, tình cảm của cộng đồng, được người Chăm theo đạo Bà-la-môn, cư trú tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Lễ hội Katê diễn ra hàng năm, vào đầu tháng 7 của lịch Chăm (khoảng 25/9 đến 5/10 Dương lịch), thường được tổ chức có quy mô lớn, trong vòng 3 ngày, ở nhiều không gian và thời gian khác nhau. Diễn ra trong một không gian lớn, từ các đền tháp, đến làng, xã, dòng họ và cuối cùng là các gia đình, lễ hội Katê lúc nào cũng rực rỡ sắc màu và rộn ràng âm thanh theo nghi thức truyền thống của văn hóa Chămpa. Nét đẹp văn hóa truyền thống này được ví như dòng chảy xuyên suốt từ cộng đồng cho đến mỗi cá nhân, và được người Chăm gìn giữ qua hàng nghìn năm.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, nhưng về cơ bản, lễ hội Katê vẫn được gìn giữ, duy trì với những tập tục, nghi thức truyền thống. Bắt đầu lễ hội sẽ là Lễ rước y phục ( Rokaw khan pô yang), Lễ mở cửa tháp ( Pơh băng yang), Lễ tắm tượng thần ( Mưney yang), Lễ mặc y phục cho tượng thần ( Angui khan aw Pô yang), Đại Lễ ( mưliêng yang) do thầy cả sư làm chủ lễ, để tưởng nhớ công ơn của các vị thần linh, như  Nữ thần Pô Nưgar, thần Pô Klong Garai, thần Pô Rômê, thần Pô Par …. Rất nhiều mâm lễ dâng cúng trên các đền tháp, cũng như dưới chân tháp do những người dự lễ thành tâm chuẩn bị. Khi làm lễ mở cửa tháp, thầy cả sư sẽ kéo đàn Kanhi và hát vang bài thánh ca, bà bóng làm lễ dâng lên các vị thần, sau đó là lễ tắm bệ thờ Linga-Yoni, lễ cúng chính… Trong không gian linh thiêng ấy, những ngôi đền tháp Chăm như càng nổi bật hơn với vẻ đẹp uy nghi vốn có. Kết thúc nghi lễ là phần hội với nhiều hoạt động, như các hội thi, các trò chơi … hay những điệu múa truyền thống của các thiếu nữ Chăm duyên dáng, uyển chuyển, hòa quyện trong tiếng trống Paranưng rộn ràng, tiếng réo rắt của kèn Saranai… mang đậm nét văn hóa đặc trưng của nền văn hóa Chăm. Song song với phần hội là nghi thức cúng tế thần làng tại các làng, trang trọng không kém các nghi lễ trên đền tháp. Chủ tế tại làng là người uy tín, thay mặt cho dân làng dâng cúng lễ vật lên thần làng và cầu mong tất cả người dân trong làng được phù hộ phước lành. Sau đó, mọi người trở về nhà, dâng cúng lễ tổ tiên, thành tâm cầu nguyện tổ tiên phù hộ để có sức khỏe, bình an và thịnh vượng.

Không chỉ mang ý nghĩa thể hiện sự thành kính và biết ơn công lao của các vị thần linh, tưởng nhớ đến tổ tiên, cầu mong cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc…, lễ hội Katê còn mang ý nghĩa gắn kết gia đình, là dịp để những người con xa xứ trở về đoàn tụ cùng gia đình, cùng người thân, thắt chặt tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, nâng cao ý thức về cội nguồn dân tộc, giá trị đạo đức và nhân cách sống.

Với những giá trị và ý nghĩa về lịch sử, văn hóa đặc sắc, tiêu biểu đó, năm 2017, lễ hội Katê được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tại hệ thống trưng bày trong nhà của Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, lễ hội Katê được lựa chọn làm điểm nhấn trong trưng bày và giới thiệu về văn hóa, phong tục tập quán, nghệ thuật truyền thống của dân tộc Chăm.

Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm về sắc màu văn hóa của cộng đồng người Chăm, hãy đến và tham gia trực tiếp các hoạt động khám phá và trải nghiệm nét đẹp văn hóa Chăm tại Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam các bạn nhé.

Ảnh: Không gian trưng bày trích đoạn lễ hội Katê, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam.

Ảnh: Hình ảnh các thiếu nữ Chăm đội nước, đội lễ vật đã trở thành hình ảnh văn hoá đặc trưng của đồng bào dân tộc Chăm.

Vương Thoa – Bảo tàng VHCDT Việt Nam

Chia sẻ
Bài trướcNhạc cụ dân gian dân tộc Chăm.